Chủ nhật, 19/05/2024

THƯ VIỆN ẢNH THƯ VIỆN ẢNH

Video Hoạt Động Video Hoạt Động

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 25,424
Tổng số trong ngày: 582
Tổng số trong tuần: 581
Tổng số trong tháng: 75,395
Tổng số trong năm: 803,782
Tổng số truy cập: 6,953,643

Ngành Tài chính tỉnh Bắc Giang góp phần thực hiện thắng lợi bưới đầu đường lối đổi mới của Đảng (1987-2005)

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

  NGÀNH TÀI CHÍNH TỈNH BẮC GIANG GÓP PHẦN THỰC HIỆN THẮNG LỢI BƯỚC ĐẦU ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI CỦA ĐẢNG (1987-2005)
 
            I. Ngành tài chính đổi mới công tác tổ chức, bộ máy đáp ứng hoạt động của công cuộc đổi mới.
Những năm đầu của sự nghiệp đổi mới, trong bối cảnh nền kinh tế lâm vào tình trạng khó khăn gay gắt, những hoạt động của ngành tài chính có vai trò và vị trí quan trọng đưa nền kinh tế nước ta từng bước ra khỏi khủng hoảng. Sản xuất tăng chậm không tương xứng với khả năng tiền vốn, sức lao động bỏ ra, mặc dầu sau khi thực hiện kế hoạch năm năm lần thứ III, nền kinh tế đã có chuyển biến trên tất cả các mặt như nông nghiệp, công nghiệp,…Đến năm 1988, tình hình kinh tế- xã hội nước ta vẫn còn những diễn biến phức tạp, sự mất cân đối lớn về các mặt của nền kinh tế vẫn chưa được giải quyết trong khi đó hiệu quả sản xuất và đầu tư còn thấp. Song song với tình trạng khó khăn ấy là nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước chưa được khai thác tốt, lại bị lãng phí trong sử dụng, phân phối lưu thông, vật giá tăng nhanh, ngân sách thâm hụt, nạn lạm phát tăng, tình trạng mất cân đối trong nền kinh tế chậm được thu hẹp, kinh tế quốc doanh suy yếu, các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa chưa được sử dụng và cải tạo tốt. Đời sống của nhân dân, nhất là của công nhân, viên chức và lực lượng vũ trang gặp nhiều khó khăn. Nhiều tiêu cực trong xã hội nảy sinh, có những diến biến phức tạp, công bằng trong xã hội bị vi phạm…Tình hình trên đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải nhanh chóng đổi mới toàn diện để đưa nền kinh tế đi lên.
Đại hội VI tháng 12 năm 1986 của Đảng là một mốc lịch sử quan trọng trên con đường đổi mới toàn diện và sâu sắc ở nước ta; trong đó có sự đổi mới về tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế và các quan điểm kinh tế. Đến các hội nghị sau đó, Hội nghị lần thứ hai tháng 4 năm 1987; lần thứ ba tháng 8 năm 1987 và lần thứ sáu tháng 4 năm 1989, BanChấphành Trung ương lại cụ thể hoá một bước những quan điểm mới trong lĩnh vực kinh tế của Đảng ta về: cải tạo xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, cơ chế quản lí kinh tế, kinh tế đối ngoại.
Trong bối cảnh nền kinh tế của đất nước gặp nhiều khó khăn, tình hình kinh tế xã hội của tỉnh cũng nằm chung trong bối cảnh khó khăn ấy. Thực tế đã chỉ ra cho ngành Tài chính phải thực hiện công cuộc đổi mới. Những hoạt động cụ thể của ngành Tài chính để phục vụ cho công cuộc đổi mới là xắp xếp lại hệ thống tổ chức bộ máy để phù hợp với đổi mới các chính sách, cơ chế tài chính. Thực hiện các Nghị quyết, chủ trương của Nhà nước, công tác tổ chức của hệ thống ngành đã được kiện toàn, sắp xếp theo yêu cầu của nhiệm vụ mới.
Từ năm 1986 thực hiện Quyết định số 1098/TCQĐ-TCCB và Quyết định số 225 của Hội đồng Bộ trưởng, Công ty Bảo hiểm Việt nam chuyển sang hạch toán kinh tế toàn ngành và được phép tự thu chi. Trước sự chuyển biến mạnh mẽ của Công ty Bảo hiểm Việt Nam cả trong lĩnh vực bảo hiểm trong nước và ngoài nước, ngày 17/2/1987 Bộ Tài chính đã ra quyết định số 27/TCQĐ-TCCB chuyển Công ty Bảo hiểm Việt nam thành Tổng công ty Bảo hiểm Việt nam, các chi nhánh và phòng đại diện bảo hiểm các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương thành các Công ty bảo hiểm trực thuộc Tổng công ty Bảo hiểm Việt nam. Theo đó, ngày 13 tháng 2 năm 1987 Bộ trưởng Bộ Tài chính có Quyết định số 49 QĐ/BTC, thành lập Công ty Bảo việt Hà Bắc (nay là Công ty Bảo hiểm Bắc Giang) thuộc Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam trên cơ sở phòng Bảo hiểm xã hội, Sở Tài chính.
Trong tháng 4 năm 1989, Quyết định hợp nhất Chi cục thuế Quốc doanh và quản lí tài chính xí nghiệp thành Cục thu quốc doanh.
Tháng 7 năm 1989, Quyết định chuyển Ban thuế nông nghiệp thành Chi cục thuế nông nghiệp trực thuộc Sở Tài chính- vật giá.
Tháng 6 năm 1989, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định thành lập Sở Tài chính - Vật giá trên cơ sở sáp nhập Sở Tài chính và Uỷ ban Vật giá trực thuộc UBND tỉnh.
Thực hiện đổi mới công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, hợp nhất bộ máy và biên chế 3 ngành thu thành hệ thống cơ quan thuế nhà nước. Ngày 7 tháng 8 năm 1990, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 281/HĐBT về thành lập lại hệ thống thu thuế thuộc Bộ tài chính. Tiếp theo, ngày 21/8/1990 Bộ Tài chính ra Quyết định số 314TC-QĐ/TCCB thành lập Cục thuế Nhà nước ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Tổng cục Thuế Bộ Tài chính; Quyết định số 315TC-QĐ/TCCB thành lập Chi cục thuế ở huyện, thị xã trực thuộc Cục thế tỉnh, thành phố. Theo đó, hệ thống các cơ quan thuế tỉnh Bắc Giang được thành lập.
Quỹ ngân sách nhà nước được giao cho ngân hàng chuyên doanh đảm nhiệm, kết quả là vai trò kiểm tra hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước qua quỹ ngân hàng bị chi phối bởi chức năng kinh doanh của ngân hàng, trước yêu cầu khách quan về đổi mới quan hệ giữa tài chính nhà nước và ngân hàng nhà nước về phương diện quản lý quỹ ngân sách. Ngày 4 tháng 1 năm 1990 Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 07/HĐBT thành lập hệ thống Kho bạc nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính, Theo đó, hệ thống Kho bạc nhà nước ở tỉnh Bắc giang được thành lập.
Để thống nhất quản lý tài chính đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản và thống nhất quản lý về tài chính doanh nghiệp trong phạm vi cả nước. Ngày 10 tháng 12 năm 1994 Bộ trưởng Bộ Tài chính Quyết định số 1198 thành lập Cục đầu tư phát triển các tỉnh, thành phố trực thuộc Tổng cục đầu tư phát triển Trung ương, trên cơ sở Phòng đầu tư xây dựng thuộc Sở Tài chính- Vật giá. Theo đó, Cục đầu tư phát triển của tỉnh thành lập. Ngày 27 tháng 5 năm 1995 Chính phủ ra Nghị định số 34 thành lập hệ thống Tổng cục Quản lý vốn (QLV) và Tài sản Nhà nước (TSNN) tại DN thuộc Bộ Tài chính. Tiếp theo, ngày 28 tháng 6 năm 1995, Bộ trưởng Bộ Tài chính ra Quyết định số 673 thành lập Cục QLV và TSNN tại DN tỉnh, thành phố trực thuộc Tổng cục QLV và TSNN tại DN Bộ Tài chính. Theo đó, Cục quản lý vốn và Tài sản nhà nước tỉnh được thành lập. Sau một thời gian hoạt động, để phù hợp với tiến trình cải cách hành chính, phù hợp với yêu cầu của Luật Ngân sách và Luật doanh nghiệp nhà nước, ngày 28/8/1999 Chính phủ ban hành Nghị định số 84/CP chuyển Tổng Cục quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp thành Cục Tài chính doanh nghiệp. Theo đó, tháng 10/1999 Cục quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang nhập về Sở Tài chính Vật giá và thành lập phòng Tài chính Doanh nghiệp. Ngày 30/9/1999 Chính phủ ban hành Nghị định 145/CP giải thể Tổng cục đầu tư, tái thành lập Vụ đầu tư ở cơ quan Bộ Tài chính, Phòng đầu tư tại các Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tách bộ phận cho vay vốn đầu tư ưu đãi của nhà nước thành hệ thống Quỹ hỗ trợ phát triển trực thuộc Chính phủ. Tháng 11/2000 tái thành lập Phòng đâu tư thuộc Sở Tài chính Bắc Giang.
Thực hiện Quyết định của Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ 10 ngày 6/11/1996 về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, tỉnh Hà Bắc chia thành 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, Sở Tài chính- Vật giá Hà Bắc được chia thành Sở Tài chính- Vật giá tỉnh Bắc Giang và Sở Tài chính- Vật giá tỉnh Bắc Ninh. Ngày 01 tháng 01 năm 1997, tỉnh Bắc Giang và Sở Tài chính- Vật giá tỉnh Bắc Giang được tái thành lập.
Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 208/2003/QĐ-TTg ngày 10/10/2003 đổi tên Sở Tài chính - Vật giá thành Sở Tài chính, ngày 19/2/2004 UBND tỉnh Bắc Giang có quyết định số 05/QĐ-UB đổi tên Sở Tài chính – Vật giá Bắc Giang thành Sở Tài chính.
Căn cứ Thông tư số 115/2003/TTLT-BTC-BNV ngày 28/11/2003 của Bộ tài chính và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về lĩnh vực thuộc UBND các cấp, ngày 08/6/2004 UBND tỉnh Bắc Giang có quyết định số 86/2004/QĐ-UB ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và mối công tác của Sở Tài chính Bắc Giang. Ngày 7/10/2004 UBND tỉnh có quyết định số 123/QĐ-UB thành lập Phòng Tin học và thống kê tài chính thuộc Sở Tài chính.
Như vậy, đến nay tổ chức bộ máy Sở Tài chính bao gồm:
1, Lãnh đạo sở: gồm Giám đốc và các Phó giám đốc;
2, Các phòng thuộc sở: gồm 8 phòng.
- Văn phòng,
- Thanh tra Tài chính,
- Phòng Ngân sách,
- Phòng Tài chính hành chính sự nghiệp,
- Phòng Tài chính doanh nghiệp,
- Phòng Đầu tư,
- Phòng Giá,
- Phòng Tin học và Thống kê tài chính.
3- Đơn vị chịu sự quản lý nhà nước cuả Sở: Công ty Xổ số kiến thiết Bắc Giang là doanh nghiệp nhà nước địa phương, hoạt động theo luật doanh nghiệp và các quy định hiện hành cuả Nhà nước.
Để theo kịp đường lối đổi mới của đất nước, trong giai đoạn từ 1987 – 2005 ngành tài chính tỉnh Bắc Giang đã tiến hành nhiều hoạt động đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới. Trong đó, đã tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công chức vững mạnh. Thường xuyên đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ trong ngành và đội ngũ kế toán Tài chính trong tỉnh. Kết quả đến nay có trên 90% cán bộ công chức thuộc Sở Tài chính có trình độ từ đại học trở lên; 100% cán bộ làm công tác kế toán tài chính các đơn vị dự toán thuộc ngân sách cấp huyện, thành phố và tỉnh có trình độ từ trung cấp trở lên; 100% cán bộ tài chính xã, phường, thị trấn hàng năm đều được bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, trong đó có trên 70% cán bộ tài chính xã phường được ngành tài chính đào tạo qua trình độ trung cấp. Ngoài ra ngành còn xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ tin học quản lý tài chính ngân sách; trên 90% cán bộ công chức của Sở đến nay đã qua bồi dưỡng kiến thức tin học, trong đó trình độ A, B chiếm trên 70%; với 50 máy vi tính và 1 trung tâm máy tính, Ngành đã thực hiện kết nối mạng tin học diện rộng với các đơn vị trong hệ thông tài chính và đưa các ứng dụng tin học sử dụng vào các chương trình quản lý tài chính, ngân sách.
Như vậy, sau gần 20 năm thực hiện hiện công cuộc đổi mới của đất nước, ngành Tài chính không ngừng củng cố, hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tài chính, kế toán trong ngành, để phù hợp đáp ứng với sự nghiệp đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước.
 
II. Ngành Tài chính tỉnh tham gia thực hiện đường lối đổi mới của Đảng thời kỳ 1987-1995.
Vào cuối năm 1985 trong bối cảnh nền kinh tế của đất nước gặp nhiều khó khăn, năng xuất lao động thấp, giá thành sản phẩm cao, sản phẩm sản xuất ra chậm tiêu thụ,… bội chi ngân sách tăng lên so với nguồn thu không đáp ứng được,… xuất phát từ tình hình đó, ngành Tài chính đã từng bước thực hiện công cuộc đổi mới theo đường lối kinh tế của đảng.
Chính sách đổi mới về cơ cấu quản lý tài chính ngân sách đã được bổ sung sửa đổi cho phù hợp nhằm thúc đẩy nền kinh tế chuyển sang hạch toán kinh doanh, mục tiêu chủ yếu là phát triển kinh tế xã hội, phấn đấu giảm bội chi, tiến tới cân bằng thu chi ngân sách.
Để đảm bảo nguồn thu của ngân sách nhà nước, các chế độ thu quốc doanh, các pháp lệnh thuế công thương nghiệp, thuế nông nghiệp được bổ sung sửa đổi. Trong khu vực kinh tế quốc doanh, chính sách động viên tài chính không ngừng được hoàn thiện đi đôi với chế độ quản lý xí nghiệp từng bước được chấn chỉnh với sự đổi mới về chính sách tài chính đã làm cho nguồn thu ngân sách tích cực đóng góp để thúc đẩy nền kinh tế.
Hoạt động của ngành tài chính giai đoạn từ 1987 đến năm 1995 những năm đầu của thực hiện đường lối đổi mới:
 
Mặc dù tình hình kinh tế xã hội gặp nhiều khó khăn, song ngành Tài chính đã tìm nhiều biện pháp tích cực để tận thu, chống thất thu, từng bước bồi dưỡng thêm nguồn thu mới. Kết quả sau 10 năm đổi mới cho ta thấy số thu ngân sách năm 1995 đã gấp trên 200 lần so với năm 1986, số thu ngân sách năm sau cao hơn năm trước, tốc độ tăng thu bình quân năm 48%. Cụ thể:
   Thuế nông nghiệp thu đạt 123 triệu năm 1986 bằng 9,7 % tổng thu ngân sách, đến năm 1989 đạt 13.524 triệu bằng 34 %, năm 1990 là 10,324 triệu bằng 24 %, (năm 1990 giảm so với năm 1989 do thực hiện miễn 50 % thuế nông nghiệp theo di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh), đến năm 1995 là 49.756 triệu bằng 18% tổng thu ngân sách.
Thu từ các xí nghiệp quốc doanhTrung ương từ7triệu năm 1985 bằng 2,9% tổng thu ngân sách, đến năm 1990 là 13.004 triệu bằng 30,5% tổng thu ngân sách, đến năm 1995 là 112.098 triệu bằng 41% tổng thu ngân sách.
Thuế công thương nghiệp khu vực ngoài quốc doanh, cũng tăng đáng kể từ 22 triệu năm 1985 bằng 9,4% tổng thu ngân sách, đến năm 1990 đạt 6.291 triệu bằng 14,7% so tổng thu ngân sách, đến năm 1995 là 42.327 triệu bằng 15,5% tổng thu ngân sách.
Thu từ các xí nghiệp quốc doanh địa phương, hàng năm tuy có tăng về số thu nhưng giảm về cơ cấu trong tổng thu ngân sách, giảm từ 59 triệu đồng năm 1985 bằng 25,2 % thu ngân sách, đến năm 1990 chỉ còn 4.872 triệu bằng 11,4 % so tổng thu ngân sách, đến năm 1995 là 8.628 triệu bằng 3% tổng thu ngân sách.
   Thực hiện Nghị quyết số 186/HĐBT ngày 27/11/1989 của Hội đồng Bộ trưởng về phân cấp quản lý ngân sách. Theo đó, Trung ương đã tăng thêm nguồn thu cho ngân sách địa phương bằng cách thay đổi (tăng) các khoản thu và điều tiết cho ngân sách địa phương: thu từ các xí nghiệp Trung ương, thuế công thương nghiệp, thuế nông nghiệp,… thông qua chính sách tài chính này, đã khuyến khích các địa phương chủ động khai thác các nguồn thu, giảm phần trợ cấp ngân sách của Trung ương, nên số thu ngân sách giai đoạn từ năm 1991 đến 1995 tăng nhiều lần so với giai đoạn 1986 -1990.   
            Về chi ngân sách, từ năm 1986 đến 1995, thực hiện chủ trương về phát triển kinh tế theo chính sách đổi mới của đảng, ngành tài chính tham mưu giúp UBND tỉnh tăng cường các nguồn lực tài chính cơ bản đã đáp ứng các nhiệm vụ chi góp phần phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của địa phương. Kết quả chi ngân sách địa phương hàng năm đều tăng, sau 10 năm chi ngân sách tăng trên 400 lần, năm 1986 tổng chi NSĐP là 844 triệu đồng, đến năm 1995 chi ngân sách là 376.976 triệu đồng.
Chi ngân sách cho xây dựng cơ bản giai đoạn từ năm 1986 đến năm 1990 chiếm từ 12 đến 16 % trong tổng số chi ngân sách địa phương, trong đó năm 1986 là15,2 %, năm 1990 chiếm 16% tổng chi ngân sách; giai đoạn từ 1991-1995 ngân sách dành cho chi đầu tư xây dựng cơ bản, tuy cơ cấu trong tổng cho ngân sách địa phương có giảm nhưng số chi tăng dần qua hàng năm, từ 12.548 triệu đồng năm 1991 đến 47.680 triệu đồng năm 1995. Trong đó, tập trung chi đầu tư  cơ sở hạ tầng; đầu tư xây mới, cải tạo nâng cấp hệ thống điện lưới phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng; đầu tư xây dựng trong lĩnh vực nông nghiệp, sửa chữa nâng cấp các trạm bơm phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp,…
Việc chi phục vụ cho 3 chương trình kinh tế thực hiện Nghị quyết 7 Đảng bộ tỉnh, hàng năm đã được ngân sách địa phương bố trí. Trong đó tập trung chi chương trình sản xuất lương thực thực phẩm, chương trình sản xuất hàng xuất khẩu. Ngoài ra hàng năm ngân sách bố trí chi phục vụ chương trình dân số kế hoạch hoá gia đình.
Chi thường xuyên, giai đoạn 1986 -1995 cơ bản đã đáp ứng phục vụ các nhiệm vụ kinh tế xã hội, các nhiệm vụ chi đột xuất và các hoạt động thường xuyên của các đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Về công tác giá:
Từ năm 1986 đến năm 1995 là những năm thực hiện xoá bỏ bao cấp qua giá, thực hiện hạch toán kinh doanh XHCN, thực hiện chính sách 1 giá kinh doanh, đưa dần mức giá hàng hoá sát với giá trị thực của nó, tính đủ giá đầu vào, xử lí giá đầu ra. Thực hiện phân cấp triệt để cho các đơn vị sản xuất kinh doanh được quyền quyết định giá mua, giá bán trên cơ sở tự chịu trách nhiệm về tài chính và được thị trường chấp nhận. Trong các năm 1986-1990 giá cả hàng hoá biến động, chỉ số giá năm 1986 so với năm 1985 đã tăng 661,4 %, năm 1988 so với năm 1987 tăng 406,9 %. Năm 1989 so với năm 1988 tăng 113,9 % và năm 1990 so với năm 1989 chỉ số giá chung tăng 187,2 %. Chỉ số giá chi tiết một số mặt hàng thời kì bao cấp cũng tăng rất lớn như phương tiện đi lại năm 1986 so với năm 1985 tăng 1000,7 %, thực phẩm tăng 472,5 %, lương thực 554,7 %, năm 1990 so với năm 1989 phương tiện đi lại tăng 154 %, thực phẩm 160,8 %, lương thực 294,5 %. Trong bối cảnh về giá cả như vậy, Sở Tài chính vật giá đã tham mưu cho UBND tỉnh và tổ chức thực hiện chức năng quản lí Nhà nước về giá trên cơ sở việc chỉ đạo, hướng dẫn chính sách, chế độ giá của Trung ương và tình hình của địa phương. Các hướng dẫn, thông báo mức giá của Trung ương chỉ đạo đã được triển khai hướng dẫn và thông báo kịp thời tới các ngành, các đơn vị sản xuất kinh doanh. Công tác tổ chức điều tra giá cả thị trường, thông tin dự báo thị trường giá trên các phương tịên thông tin, tổ chức thanh tra, kiểm tra giá, được thực hiện thường xuyên để báo cáo UBND tỉnh, Trung ương. Vì vậy công tác quản lý giá đã góp phần quan trọng trong việc bình ổn giá cả, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Về công tác thanh tra tài chính:
Công tác thanh tra, kiểm tra được ngành tài chính coi trọng và duy trì thường xuyên, nhằm phát hiện và ngăn chặn những sai phạm, tăng cường công tác quản lý tài chính ngân sách trên địa bàn.
Năm 1991, thanh tra Tài chính đã tiến hành thanh tra ngân sách ở 4 huyện: Việt Yên, Tân Yên, Sơn Động, Gia Lương, qua đó kiến nghị thu nộp ngân sách với số tiền: 771.767.112 đồng. Phối hợp với Kiểm sát nhân dân tỉnh thanh tra ngành Thuỷ nông, tiến hành phúc tra 2 đơn vị là Trường kinh tế tỉnh và Đoàn kịch nói Hà Bắc, nộp vào ngân sách Nhà nước với số tiền: 32.226 đồng.
Năm 1992 tổ chức được 25 cuộc thanh tra; kiểm tra giá, phát hiện 29 đơn vị vi phạm kỉ luật giá với tổng số tiền sai giá gần 50 triệu đồng, đã xử lí 5 đơn vị, thu nộp ngân sách 6.620.000 đồng. Thanh tra ngân sách huyện Yên Dũng, Sở điện lực, việc sử dụng vốn cơ bản trên địa bàn huyện Lục Ngạn…tổng số tiền kiến nghị thu nộp ngân sách Nhà nước là 1 tỉ 362 triệu đồng.
Ngoài ra còn tiến hành kiểm tra, tình hình quản lí vốn, tài sản của một số đơn vị giải thể; kiểm tra xét duyệt quyết toán ở các đơn vị thụ hưởng ngân sách, kiểm tra quá trình cấp phát vốn các công trình đầu tư xây dựng cơ bản,.. Qua hoạt động thanh tra, kiểm tra  đã phát hiện, uốn nắn kịp thời những sai sót trong việc chấp hành chế độ chính sách Tài chính, đồng thời góp phần tăng cường kỉ luật tài chính ở các đơn vị.
Về công tác quản lý tài chính doanh nghiệp:
Vào những năm cuối 1985 sau 10 năm cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội, tuy nhiên kinh tế cuả các xí nghiệp quốc doanh đã được hình thành và phát triển ở tất cả các ngành. Nhưng cơ chế tập trung bao cấp đã làm cho nền kinh tế lâm vào tình trạng khùng hoảng, suy thoái, các quan hệ hàng hoá tiền tệ không cân đối, sản xuất bị đình đốn. Đại hội lần thứ VI của Đảng tháng 12/1986 quyết định phải tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện về mặt kinh tế. Trong đó, đối với doanh nghiệp thực hiện một bước về chủ trương đổi mới kinh tế, huy động nguồn lực từ nội bộ doanh nghiệp, nội bộ nền kinh tế trong nước để phát triển sản xuất, khắc phục và hạn chế suy thoái. Ngày 14/11/1987 Hội đồng Bộ Trưởng ra quyết định số 217/HĐBT, Bộ Tài chính ra thông tư hướng dẫn số 78/TC-CN ngày 31/12/1987 hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ tài chính của các đơn vị kinh tế cơ sở theo quyết định 217/HĐBT. Tiếp đó nhà nước ra một loạt các văn bản: quyết định, chỉ thị,… để củng cố lại tình hình, củng cố các xí nghiệp quốc doanh, như: quyết định tiến hành tổng kiểm kê tài sản 1/1/1990 ở các doanh nghiệp; Quyết định số 144 ngày 10/5/1990 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về chấn chỉnh quản lý tài chính xí nghiệp quốc doanh; Chỉ thị số 316/CT ngày 1/9/1990, Chỉ thị số 138/CT ngày 25/4/1991; Nghị định số 332/HĐBT ngày 23/10/1991 của HĐBT về tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước,…
Để thực hiện chủ trương về đổi mới cơ chế quản lý tài chính doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, ngành tài chính đã tham mưu cho UBND tỉnh đề ra nhiều các biện pháp để giải quyết và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện đổi mới cơ chế quản lý tài chính doanh nghiệp. Trong đó thực hiện:
- Hướng dẫn, chỉ đạo, tổng hợp việc tổ chức kiểm kê tài sản ở các xí nghiệp trên địa bàn tỉnh thời điểm 1/1/1990;
- Xác định lại tài chính cuả xí nghiệp, đánh giá lại tình hình, thực trạng về tài sản, cố định, vốn cố định, lãi lỗ, tồn kho, nợ nần cuả xí nghiệp, việc chấp hành kỷ luật tài chính, kế toán thống kê;
- Rà soát lại các yếu tố sản xuất kinh doanh của cơ sở, thị trường, công nghệ, vốn, tổ chức lao động, tổ chức bộ máy quản lý cán bộ,
- Tổng hợp, báo cáo, tham mưu đề xuất tỉnh, Trung ương các phương án xắp xếp tổ chức lại chức năng hoạt động kinh doanh đơn vị, giải quyết, tháo gỡ khó khăn trong việc tổ chức sản xuất kinh doanh ở từng đơn vị.
- Thực hiện việc tính toán chi trả và giải quyết chế độ về nghỉ một lần cho các đối tượng thuộc diện sắp xếp lại lao động theo Quyết định số 176/HĐBT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Có thể nói, thông qua các chính sách đổi mới kinh tế tài chính đã thực hiện tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.
 
III. Hoạt động của ngành tài chính thực hiện kế hoạch phát triẻn kinh tế xã hội giai đoạn 1996-2005 và định hướng phát triển đến năm 2010.
 
          1- Hoạt động và thành tựu của ngành tài chính giai đoạn 1996 -2005:
Sau 10 năm đổi mới nền kinh tế nước ta đã thu được nhiều kết quả, tốc độ  tăng trưởng khá cao và ổn dịnh, đời sống nhân dân đã được cải thiện, các thể chế của nền kinh tế thị trường từng bước được hình thành một cách đồng bộ. Tuy nhiên, tình hình kinh tế nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo của đảng, sự ủng hộ của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, với sự phấn đấu của ngành tài chính nhất định chúng ta sẽ giữ vững được những thành tựu trong 10 năm qua mà còn có bước phát triển cao hơn.
Hoạt động của ngành Tài chính giai đoạn 1996 -2005 có nhiều chuyển biến tích cực. Luật NSNN ban hành năm 1996 và sửa đổi năm 2002 đã mở ra một giai đoạn mới trong quản lý NSNN. Phân cấp ngân sách ngày càng đẩy mạnh theo hướng tăng cường quyền hạn và trách nhiệm cho các cấp, ngành. Quy trình chi ngân sách được đổi mới. Công tác kiểm soát chi qua KBNN được tăng cường đã góp phần giám sát chi tiêu, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chính sách thuế tiếp tục có nhiều đổi mới theo hướng ứng dần với cơ chế thị trường và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đổi mới và sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước đã tăng cường quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp là phù hợp với cơ chế thị trường, góp phần khuyến khích đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp. Công tác quản lý giá những năm qua đã có những chuyển biến tích cực vừa góp phần kiềm chế lạm phát, vừa thích ứng dần cơ chế quản lý giá theo kinh tế thị trường. Cũng trong giai đoạn này, hàng loạt các cơ chế chính sách mới đã được thực hienẹ như khoán chi hành chính đối với đơn vị hành chính; trao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp có thu. Việc đổi mới cơ chế tài chính đã góp phần đẩy mạnh tài chính công, sự dụng tiết kiệm kinh phí nhà nước, nâng cao thu nhập cho cán bộ công chức.
Cùng với hoạt động tài chính quốc gia, ngành tài chính tỉnh Bắc Giang những năm qua đã hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của mình được Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh giao cho, tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các cấp nhiều văn bản chính sách thể chế hoá các quy định của nàh nước, các quy định thực hienẹ ở địa phương làm ổn định và lành mạnh các hoạt động tài chính, tăng cường khai thác các nguồn thu, số thu năm sau đều cao hơn năm trước. Cùng với sự đóng góp của nhân dân trong tỉnh kết hợp sự đầu tư ngân sách tỉnh đã đầu tư xây dựng cơ cở vật chất kỹ thuật, trong đó tập trung chủ yếu ở một số lĩnh vực như nông nghiệp, lâm nghiệp xây dựng nhiều hồ đập, trạm bơm vừa và nhỏ phục vụ tưới tiêu nước, hàng nghìn km kênh mương; hệ thống công trình phúc lợi như trường học, nghĩa trang, đường giao thông nông thôn, … ở hầu hết các xã trong tỉnh. Ngoài ra còn tham mưu cho tỉnh thực hiện tốt các chính sách xã hội, đáp ứng kịp thời các nhu cầu chi phục vụ nhiệm vụ thường xuyên đảm bảo hoạt động quản lý nhà nước, các sự nghiệp xã hội, y tế, giáo dục, an ninh quốc phòng.
Từ khi tỉnh Bắc Giang được tái lập (01/01/1997) cũng là thời điểm Luật NSNN ban hành có hiệu lực. Sở Tài chính – Vật giá Bắc Giang đã có nhiều cố gắng thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao, là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, có chức năng quản lý nhà nước về công tác tài chính giá cả trên địa bàn. Trong những năm qua Sở Tài chính luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Tài chính và sự phối kết hợp của các ngành, đơn vị liên quan luôn tạo điều kiện cho ngành hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, trong qua trình thực hiện tham mưu quản lý điều hành ngân sách với UBND tỉnh cũng gặp một số khó khăn, đó là trong điều kiện nền kinh tế của tỉnh còn hạn hẹp, nguồn thu trên địa bàn ít, chỉ đáp ứng khoảng 1/5 tổng số nhu cầu chi trong năm, do đó ít nhiều cũng ảnh hưởng đến công tác quản lý đièu hành ngân sách nói riêng trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy với nỗ lực cố gắng, công tác quản lý tài chính và điều hành ngân sách những năm qua đã đáp ứng các nhu cầu cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Về hoạt động thu, chi ngân sách:
Trong những năm qua ngành tài chính luôn quan tâm tới công tác quản lý thu, chi ngân sách, thường xuyên phối hợp với các ngành liên quan, tổ chức thu chi ngân sách luôn đảm bảo hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao.
Trong công tác quản lý điều hành ngân sách đã bám sát vào nhiệm vụ chính trị của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh. Đã thực hiện giám đốc ngay từ khâu lập dự toán, cấp phát kinh phí đến khâu quyết toán kinh phí. Thông qua đó đã đạt được các kết quả, đảm bảo kinh phí sử dụng đúng mục đích, phục vụ các chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ trọng điểm, chiến lược của tỉnh phù hợp với từng giai đoạn, từng thời kỳ góp phần trong việc phát triển kinh tế xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Từ những nỗ lực của ngành, tình hình thu chi ngân sách hàng năm đạt và vượt kế hoạch của Nhà nước giao. Công tác quản lý điều hành ngân sách có sự đổi mới theo hướng phân cấp, công khai tài chính, tạo sự chủ động cho các cấp trong thực hiện và khuyến khích tăng thu; thực hiện có hiệu quả một số cơ chế tài chính mới; tăng cường quản lý ngân sách xã, phường, thị trấn theo Luật ngân sách. Việc thu ngân sách đã có trọng điểm, trọng tâm, cơ bản đáp ứng được yêu cầu chi thường xuyên và chi đầu tư xây dựng cơ bản, bảo đảm đúng kế hoạch, thực hiện tiết kiệm chống lãng phí, góp phần sử dụng ngân sách có hiệu quả. Hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản có bước phát triển vượt bậc so với các năm trước đây. Chi đầu tư các năm từ 1996 đến năm 2000 đạt trên 2.400 tỷ đồng. Nhiều công trình xây dựng còn dở dang của những năm trước như: rạp Sông Thương, Nhà thi đấu thể thao, Nhà bảo tàng, Đài phát thanh-truyền hình tỉnh…được đầu tư tập trung dứt điểm, hoàn thành đưa vào sử dụng và phát huy tác dụng. Hệ thống công trình thuỷlợi được xây dựng và nâng cấp, từ năm 1997đếnnăm 2000, Nhà nước và nhân dân đã đầu tư 250 tỷ đồng xây dựng mới 55 trạm bơm tưới tiêu cục bộ, kiên cố hoá 167 km kênh mương, nâng cấp một số trạm bơm như: Cống Bún, Hồng Thái, Trúc Tay, hệ thống kênh mương tưới Bảo Sơn, hệ thống thuỷ nông sông Cầu, hồ Suối Nứa, hồ Lòng Thuyền, tu bổ gia cố làm mới một số đoạn đê, kè, cống xung yếu. Trong các năm từ 2001 đến năm 2005 đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thuỷ lợi với số vốn là: 415 tỷ đồng. Trong các năm trên đã hoàn thành xây dựng hồ Khe Chão (Sơn Động), cụm hồ Cây Đa, Va Khê, Bầu Lầy, hồ Chùa Sừng, hồ Chồng Chềnh (Yên Thế), hồ Khuân Trung (Lục Ngạn), trạm bơm Cống Bún (Yên Dũng), tiểu dự án trạm bơm Hồng Thái-Bảo Sơn, dự án trạm bơm Yên Tập-hồ Suối Cấy, hồ Suối Nứa, đầu mối đập Thác Huống, hồ Khe Đặng (Sơn Động), cải tạo nâng cấp đê sông Thương và gần 100 công trình hồ đập. Chương trình cứng hoá kênh mương đã kiên cố được trong toàn tỉnh với 754 km kênh, trong đó kênh cấp I, cấp II là 164 km, kênh cấp III là 590 km với tổng số tiền thực hiện là 201,5 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước 165,5 tỷ đồng, nhân dân đóng góp tiền và ngày công là: 36 tỷ đồng. Từ những nỗ lực trên đã góp phần bảo đảm tưới tiêu phục vụ sản xuất, nâng tỷ lệ diện tích đất canh tác được chủ động tưới, tiêu từ 53 % lên 62 %. Đối với các huyện miền núi như Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Thế do có chương trình phát triển hạ tầng thuỷ lợi nên hàng ngàn héc ta canh tác trước đây phụ thuộc nước trời nay đã được chủ động tưới nước, tăng diện tích gieo trồng vụ Đông và Đông Xuân.
   Hệ thống giao thông đường bộ tiếp tục được đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp, tăng cường quản lí, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng. Trong 4 năm từ 1996-2000, đã rải nhựa được 320 km thuộc các tuyến quốc lộ 31, 37, 279, tỉnh lộ 284, 296, 293, 299 và một số trục đường nội thị của thị xã Bắc Giang, đã hoàn thành xây dựng cầu Vát, khởi công xây dựng cầu Chũ, cầu Điếm Tổng, cầu Bố Hạ, xây dựng thêm mới nhiều công trình phòng hộ trên các tuyến giao thông nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện tham gia giao thông. Sang các năm 2001-2005 đã hoàn thành một số cầu lớn nối liền giao thông trên các tuyến đường huyết mạch quan trọng như cầu: An Châu, Bố hạ, Lục Nam,Chũ,một số cây cầu như cầu đường bộ Bến Đám, cầu đường bộ Bắc Giang đang được xây dựng. Đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, xã đã được nâng cấp với 600 km. 2.700 km đường làng, ngõ xóm được cứng hoá.
Lưới điện quốc gia được đầu tư mở rộng, 90,7 số xã có điện lưới phục vụ sản xuất và sinh hoạt, hiện còn 19 xã vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới quốc gia, từ năm 2000 đã giảm so với năm 1997 còn lại 18 xã, tỷ lệ dân số dùng điện tăng từ 75 % năm 1997 tăng lên 88% năm 2000.
   Hệ thống thông tin liên lạc, mạng lưới bưu chính viễn thông phát triển nhanh về số lượng và đạt chất lượng cao. Nhiều điểm bưu điện được đầu tư xây dựng. Đến năm 2000 đã có 208 điểm bưu điện văn hoá xã bằng 91,6 % số xã của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội ở các vùng nông thôn.
   Cơ sở hạ tầng xã hội tiếp tục được tăng cường, đã đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch, điện chiếu sáng của thị xã Bắc Giang, Bệnh viện đã khoa tỉnh, Bệnh viện y học dân tộc tỉnh, nhiều trường học, trạm y tế cơ sở và các công trình về văn hoá, xã hội khác, tỷ lệ phòng học kiên cố trong các trường phổ thông tăng từ 20 % năm 1997 lên 35,2 % năm 2000, không còn tình trạng học sinh phổ thông phải học ca 3. Sang các năm 2001-2005, xây dựng cơ sở hạ tầng được tập trung vào 3 lĩnh vực chủ yếu đó là: Giao thông đường bộ, thuỷ lợi và xây dựng hạ tầng thị xã Bắc Giang. Toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với số tiền: 1.744 tỷ đồng trong đó hạ tầng giao thông: 1.142 tỷ đồng, hạ tầng thuỷ lợi: 415 tỷ đồng và hạ tầng thị xã Bắc Giang: 187 tỷ đồng.
   Đầu tư xây dựng cơ bản sang các năm từ 2001 đến các năm 2005 tiếp tục được nâng cao vượt bậc so với trước. Trong các năm trên, kế hoạch đầu tư được thông báo sớm đã tạo điều kiện cho các chủ đầu tư chủ động triển khai thực hiện, đã đầu tư hàng trăm công trình, hạng mục công trình, trong đó có các công trình chuyển tiếp. Năm 2001, đã đầu tư 76 công trình, hạng mục công trình gồm: 21 công trình khởi công mới và 55 công trình, hạng mục công trình chuyển tiếp; hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng 25 côngtrình với giá trị 95 tỷ đồng, chiđầu tư xây dựng cơ bản vượt dự toán trong năm do Trung ương bổ sung vốn đầu tư xây dựng cơ bản với số tiến là: 31.100 triệu đồng. Đến năm 2003, đã thực hiện chi đầu tư xây dựng cơ bản: 218.076.513.613 đồng, bằng 157,7 % dự toán năm và bằng 104,4 % so với cùng kì, tăng so với năm 2001 rất nhiều, năm 2001, chi đầu tư xây dựng cơ bản: 158.858.415.668 đồng.
   Các lĩnh vực khác như kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế đều được đầu tư kinh phí. Trong đó được dùng để thực hiện các chương trình như: Trung tâm khuyến nông, khuyến lâm tổ chức tập huấn được hàng nghìn lớp với hàng chục nghìn người tham dự. Bên cạnh đó còn tổ chức hàng trăm cuộc, hội nghị, hội thảo với hàng nghìn người tham dự, các mô hình trình diễn được xây dựng và có nhiều kết quả đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn. Nhiều tiến bộ của khoa học kĩ thuật được triển khai ở diện rộng, sâu được đem vào áp dụng nhu mô hình sản xuất giống lúa lai F1, đậu tương giống DT99, lạc cao sản MD7, L14, mô hình nuôi thử nghiệm cá chim nước ngọt và tôm càng xanh. Công tác đầu tư chi sự nghiệp thú y được quan tâm, chỉ đạo một cách toàn diện, từ đó việc tiêm phòng được tiến hành thường xuyên, các ổ dịch được tiến hành dập tắt, đặc biệt là việc khoanh vùng, xử lí kịp thời trong việc ngăn chặn sự lây lan, thiêu huỷ trong dịch cúm gia cầm trong năm 2004. Các đợt vận chuyển động vật trên địa bàn được tiến hành kiểm tra, những người hành nghề được thẩm định, kiểm tra để cấp chứngchỉ. Công tác bảo vệ thực vật đượctiến hành thường xuyên, nhờ việc cấp phát kinh phí thường xuyên. Tổng số chi cho lĩnh vực lâm nghiệp được tăng cường thường xuyên, trong đó có chi từ ngân sách của tỉnh, của huyện với số tiền hàng năm lên tới hàng tỷ đồng. Trong việc bảo vệ và phát triển rừng còn chi ngân sách vào việc khoanh nuôi, tái sinh rừng với số diện tích lên tới hàng nghìn héc ta rừng, các biển báo, bản tin bảo vệ rừng được xây dựng.
   Sự nghiệp giáo dục và đào tạo hàng năm đều bố trí lượng kinh phí lớn để chi phục vụ công tác sự nghiệp giáo dục, ngoài ra còn chi phục vụ cho việc bồi dưỡng cho hàng nghìn người học các lớp học chính trị, quản lý hành chính, ngoại ngữ, tin học,…
 Công y tế được đầu tư về cơ sở, trang thiết bị phục vụ cho việc chăm sóc sức khoẻ của cán bộ và nhân dân trong tỉnh. Các hoạt động văn hoá xã hội không ngừng được đầu tư về kinh phí hoạt động, đảm bảo có nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, nhiều cơ sở vật chất của các hoạt động văn hoá không ngừng được hỗ trợ xây dựng. Việc chi cho các ngành, lĩnh vực như an ninh quốc phòng, thể dục thể thao, quản lí hành chính… được duy trì và tăng cường về kinh phí.
 
Công tác tham mưu cho UBND tỉnh về quản lý và điều hành ngân sách:
Để tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý tài chính ngân sách, trong những năm qua, Sở Tài chính đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản liên quan đến điều hành, quản lý tài chính ngân sách trên địa bàn tỉnh, như:
- Quy chế điều hành ngân sách địa phương,
- Quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách, tỷ lệ điều tiết các khoản thu giữa các cấp ngân sách, định mức phân bổ ngân sách giữa các cấp, đơn vị, thụ hưởng ngân sách,
- Các văn bản hướng dẫn, quản lý, sử dụng kinh phí đối với các đơn vị thụ hưởng ngân sách; hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí các chương trình mục tiêu, kinh phí uỷ quyền; về tiết kiệm chống lãng phí,…
- Quy định quản lý nhà nước về giá, quy chế thẩm định giá, bảng giá đất, … trên địa bàn tỉnh và các văn bản hướng dẫn,
- Quy định về thực hiện dân chủ và công khai tài chính ngân sách đối với các cấp ngân sách và đơn vị sử dụng ngân sách,
- Quy định về trang bị và sử dụng điện thoại, quy định về chế độ công tác phí, chế độ chi tiêu hội nghị, về hỗ trợ kinh phí cán bộ đi học,… trên địa bàn tỉnh,
- Các đề án về quản lý, cấp phát ngân sách, khoán chi hành chính, giao quyền tự chủ tài chính cho đơn vị sự nghiệp có thu,…
Ngoài ra còn trực tiếp ban hành nhiều văn bản khác liên quan đến công tác quản lý tài chính ngân sách trên địa bàn tỉnh.
Công tác quản lý nhà nước về giá: đã thực hiện thông tin báo cáo giá kịp thời đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước về giá trên địa bàn. Hàng năm lập phương án và hướng dẫn công tác trợ cước, trợ giá các mặt hàng theo chế độ chính sách; giá mua sắm tài sản, xây dựng, đấu thầu, đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng,.. đảm bảo đúng chính sách và phân cấp quản lý giá của nhà nước.
Công tác quản lý tài chính doanh nghiệp: trong những năm gần đây đã thực hiện hoàn thành công tác cổ phần hoá, đa dạng hoá các hình thức sở hữu doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo theo yêu cầu, chủ trương của nhà nước và tỉnh về đổi mới cơ chế quản lý tài chính doanh nghiệp.
Công tác thanh tra, kiểm tra:
Hàng năm, Sở đều tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác quản lý tài chính ngân sách ở một số đơn vị. Thông qua duyệt quyết toán và thanh tra tài chính hàng năm đã kịp thời uốn nắn các sai sót của đơn vị, ban ngành trong việc lập, chấp hành quyết toán NSNN. Đồng thời qua đó đã xử lý các khoản thu, chi sai chế độ của đơn vị thu nộp NSNN hàng năm hàng trăm triệu đồng.
Đã phối hợp với các đơn vị ban, ngành liên quan tham gia chống buôn lậu, gian lận thương mại. xử lý tịch thu, tịch biên sung quỹ nhà nước, mỗi năm từ 4-6 tỷ đồng.
Công tác tiếp dân được thực hiện đảm bảo đầy đủ theo quy định, tiếp nhận các đơn thư khiếu nại, tố cáo, sau đó giải quyết và trả lời thư khiếu nại, tố cáo các trường hợp theo thẩm quyền.
Công tác tin học: đã đưa các ứng dụng tin học vào công tác quản lý tài chính ngân sách. Hoàn thành việc kết nối hệ thống mạng tin học thông suốt từ Bộ Tài chính, UBND tỉnh đến các cơ quan tài chính ở tỉnh (Sở Tài chính, KBNN, Cục thuế) và ở huyện.  
Công tác thi đua khen thưởng:
Với những cố gắng và kết quả thành tích đạt được trong 60 năm qua, Sở Tài chính Hà Bắc trước kia và nay là Sở Tài chính Bắc Giang liên tục được UBND tỉnh, Bộ Tài chính, Chính phủ tặng nhiều bằng khen về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và bảo vệ an ninh tổ quốc. Năm 1981, Ty Tài chính Hà Bắc được Chủ tich nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3; năm 1995 được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; năm 1998 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba (lần 2) và 2 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; năm 1999 được Chính phủ tặng cờ luân lưu đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua và 1 cá nhân được Nhà nước tặng Huân chương lao động hạng ba, Năm 2000 được UBND tỉnh tặng cờ là đơn vị thi đua xuất sắc trong thời kỳ đổi mới (1996 – 2000). Năm 2001 được UBND tỉnh tặng cờ đơn vị thi đua xuất sắc dẫn đầu khối cơ quan tổng hợp. Năm 2002 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng nhì; năm 2003 được Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc; năm 2004 được Thủ tướng chính phủ tặng bằng khen. Năm 2005 được UBND tỉnh tặng Cờ Đại hội thi đua tỉnh lần thứ 2. Ngoài ra trong 60 năm qua các tập thể và cá nhân của Sở nhiều lần được Chính phủ, Bộ Tài chính và UBND tỉnh khen thưởng.
Công tác đảng, đoàn thể:
Đảng bộ Sở Tài chính chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, Đảng uỷ CCQ tỉnh, có nhiệm vụ lãnh đạo toàn diện trên cả 3 mặt, chính trị tư tưởng, tổ chức cán bộ và công tác kiểm tra, đồng thời lãnh chỉ đạo các đơn vị thuộc Sở và công ty hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trọng tâm đó là công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh về tài chính, ngân sách, giá cả và công tác kinh doanh. Trong những năm qua, Đảng bộ đã phát triển cả về số và chất lượng, từ 26 đảng viên năm 1997 với 5 chi bộ, đến nay đã có 87 đảng viên, được phân bổ ở 10 chi bộ, trong đó 7 chi bộ lãnh đạo các phòng thuộc Sở Tài chính, 3 chi bộ lãnh đạo 3 công ty: Xổ Số kiến thiết, Bảo Việt, Bảo Việt Nhân thọ. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Tỉnh uỷ, Đảng uỷ CCQ tỉnh. Đảng bộ Sở Tài chính đã tập trung lãnh đạo các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình. Với thành tích và kết quả đạt trong những qua, từ năm 1997 đến nay Đảng bộ Sở Tài chính và các chi bộ trực thuộc luôn đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh; hàng năm có 100% đảng viên đủ tư cách, hoàn thành nhiệm vụ trở lên; nhiều năm liền Đảng bộ và nhiều Đảng viên trong đảng bộ được Đảng uỷ Các cơ quan tỉnh khen thưởng.
Các tổ chức hội, đoàn thể quần chúng: với số lượng hiện nay 183 đoàn viên công đoàn, 81 đoàn viên nữ; 116 đoàn thanh niên, 39 hội viên cựu chiến binh. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng uỷ Sở Tài chính, của tổ chức hội đoàn thể cấp trên, những năm qua các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên, Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, đã tích cực hoạt động, chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình, đảm bảo theo đúng Điều lệ quy định.  Mỗi tổ chức hội đoàn thể quần chúng đã thực sự phát huy khả năng vai trò của tổ chức mình, thông qua các hoạt động đã kịp thời tuyên truyền, giáo dục cho các hội viên, đoàn viên thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, chủ trương chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của cơ quan đơn vị, xây dựng phong trào, động viên mọi người hăng hái thi đua lao động, học tập, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị hàng năm của toàn đơn vị. Với những kết quả, thành tích đạt được, từ năm 1997 đến nay, các tổ chức hội đoàn thể quần chúng của Sở Tài chính luôn đạt được đơn vị xuất sắc, vững mạnh, nhiều cá nhân đoàn viên, hội viên được tổ chức hội đoàn thể các cấp khen thưởng.
           2. Định hướng hoạt động của ngành Tài chính đến năm 2010:
Chúng ta sắp bước vào những năm đầu triển khai nhiệm vụ kế hoạch 5 năm (2006 – 2010), những thành tựu của 20 năm đổi mới và đặc biệt là trong 5 năm 2001 -2005 đã làm cho thế và lực nước ta lớn mạnh lên nhiều. Nước ta sẽ hội nhập đầy đủ vào khu vực mậu dịch tự do ASEAN và trở thành thành viên của tổ chức thương mại thế giới. Sự ổn định về chính trị trong nước sẽ là điều kiện thuận lợi để phát triển, nhưng cũng đồng thời đặt cho chúng ta nhiều sức ép và thách thức. Đại hội X sắp tới của Trung ương đảng và Đại hội lần thứ XVI của Tỉnh đảng bộ Bắc Giang sẽ chỉ ra cho chúng ta những nhiệm vụ chiến lược trong thời kỳ mới với mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của cả nước đạt 7,5 -8%/năm, tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách nhà nước đạt 21 -22%; Trong đó tỉnh Bắc giang dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân là: 10 - 11%/năm. Để đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 11%/năm, cần huy động khoảng 25 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, gấp 2,5 lần so với 5 năm trước, bình quân mỗi năm huy động 5 ngàn tỷ đồng,… thì ngành Tài chính sẽ còn nặng nề cao hơn rất nhiều. Trong bối cảnh đó, để tài chính trở thành đòn bẩy thúc đẩy kinh tế tăng trưởng bền vững, ổn định, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, mỗi cán bộ công chức, viên chức mỗi đơn vị toàn ngành tài chính càng phải thấy rõ vai trò trách nhiệm lớn lao của mình, phaỉ có những biện pháp tích cực và có kế hoạch cụ thể, quyết tâm khắc phục yếu kém, đẩy lùi tiêu cực phấn đấu thực hiện các giải pháp và các nhiệm vụ cụ thể sau đây:
Một là, động viên khai thác đa dạng các nguồn lực tài chính để phát triển kinh tế xã hội. Hoàn thiện các chính sách, trong đó nhanh chóng xây dựng quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, trước mắt là đến năm 2020, cải thiện môi trường thuận lợi cho đầu tư theo hướng thống nhất, thông thoáng; tạo chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của các cấp, các ngành và tầng lớp nhân dân cùng đồng sức, đồng lòng nhằm thu hút tối đa nguồn lực tài chính, bồi dưỡng và mở rộng nguồn thu NSNN.
Hai là, phân phối hợp lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, đảm bảo phù hợp với yêu cầu chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Thực hiện chính sách chi NSNN lành mạnh, tích cực, đổi mới cơ cấu chi ngân sách theo hướng bám sát nhiệm vụ, mục tiêu chiến lược chú trọng chi đầu tư phát triển và tăng chi cho con người. Tiếp tục thực hiện cải cách tài chính công thông qua các cơ chế chính sách tài chính khoán biên chế và kinh phí hoạt động trong các đơn vị hành chính và cơ chế tự chủ tài chính trong các đơn vị sự nghiệp có thu, nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị.
Ba là, đổi mới và phát triển tài chính doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác gía. Xây dựng các chính sách, cơ chế tài chính tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế khai thác và phát huy mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Bốn là, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và công khai tài chính ngân sách.
Năm là, cải cách các thủ thủ tục trong lĩnh vực tài chính, hành chính đảm bảo hoàn thiện và đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về cải cách thủ tục hành chính; tăng cường kỷ cương, kỷ luật và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, cải thiện quan hệ giữa nhà nước với dân.
Sáu là, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; trang bị kiến thức và phương tiện nâng cao kỹ năng ứng dụng thực hành tin học để nâng cao trình độ và hiệu quả công tác.

 
KẾT LUẬN
Chặng đường phát triển của Ngành Tài chính tỉnh Bắc Giang 60 năm qua đầy khó khăn, gian khổ. Buổi đầu mới thành lập, đội ngũ cán bộ của Ngành còn ít về số lượng, hạn chế về trình độ. Song do được Đảng, Nhà nước giáo dục, tổ chức, được các địa phương, đơn vị cộng tác, giúp đỡ, đội ngũ cán bộ của Ngành không ngừng vươn lên, vừa học, vừa làm, vượt qua mọi khó khăn thử thách, thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công, Ngành Tài chính tham gia đắc lực, là công cụ trọng yếu của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong lĩnh vực quản lí, điều hành, kinh tế. Trong những chặng đường lịch sử vẻ vang ấy, mỗi cán bộ, đảng viên của Ngành luôn đoàn kết, gắn bó, yêu ngành yêu nghề, nêu cao tinh thần trách nhiệm xây dựng bộ máy và đội ngũ cán bộ Ngành Tài chính tỉnh không ngừng vững mạnh.
Từ thực tiễn 60 năm qua của Ngành Tài chính tỉnh đã để lại cho chúng ta nhiều kinh nghiệm quý.
   Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, trước hết cán bộ, đảng viên Ngành Tài chính phải thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng, về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, bám sát thực tiễn, chủ động, sáng tạo thực hiện các chủ trương của Đảng, của Nhà nước, mạnh dạn đề xuất và tổ chức thực hiện tốt các phương pháp quản lí kinh tế, tài chính mới, khoa học. Bám sát chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước là thiết lập và vận hành ở Việt Nam nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lí và kiểm soát của Nhà nước. Mọi chính sách tài chính, mọi việc làm của ngành tài chính thực hiện tốt định hướng và chính sách trên sẽ góp phần quan trọng nhất đảm bảo ổn định của tỉnh về chính trị, đảm bảo cho sự nghiệp kinh tế- xã hội của tỉnh phát triển, đảm bảo cho đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện. Mọi giải pháp và công việc của cán bộ tài chính phải xuất phát từ các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội và phải góp phần giải quyết được những đòi hòi của cuộc sống đặt ra. Do nền kinh tế, văn hoá, xã hội luôn vận động, phát triển nên các giải pháp, biện pháp quản lý, thúc đẩy nền kinh tế- xã hội phát triển cần phải bám sát thực tiễn, tính toán, cân nhắc và vận dụng, linh hoạt, sáng tạo trong triển khai áp dụng.
   Kinh nghiệm thứ hai được rút ra là đội ngũ cán bộ Ngành Tài chính tỉnh phải không ngừng trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ bộ máy tổ chức Ngành Tài chính phải không ngừng được củng cố vững chắc, có như vậy mới đáp ứng được đòi hỏi ngày càng khó của thực tiễn. Lĩnh vực hoạt động Tài chính là một lĩnh vực rất khó. Đòi hỏi người cán bộ Tài chính phải năng động, sáng tạo trong thực hiện, không ngừng trau dồi chuyên môn và nghiệp vụ để nâng cao năng lực công tác có như vậy mới đáp ứng được các nhiệm vụ công tác. Bộ máy tổ chức cán bộ, năng lực cán bộ cần không ngừng hoàn thiện, củng cố. Để thực hiện điều đó, Ngành cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tài chính kế toán cho Ngành và cho các đơn vị, địa phương trong tỉnh. Người cán bộ Tài chính cần nắm vững và biết vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Các phẩm chất và năng lực của người cán bộ trong thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước là: Tinh thông nghiệp vụ, nắm bắt các thông tin, thời sự kịp thời, được trang bị các tri thức, thiết bị khoa học kĩ thuật tiên tiến, hiện đại, có tinh thần trách nhiệm cao, yêu ngành, yêu nghề, yêu quê hương, đất nước.
   Trong công tác cần tăng cường hiệu quả. hiệu lực của hệ thống thanh tra, giám sát bằng nghiệp vụ, bằng tổ chức có sẵn trong công tác tài chính, từng quy trình chuyên môn thanh tra, giám sát. Công tác Thanh tra Tài chính phải được sắp xếp và kiện toàn hợp lí từ trên xuống dưới, coi trọng thực chất hơn là hình thức. Trong công tác này cần coi trọng biện pháp công khai tài chính và phải coi đây là biện pháp cần thiết để hạn chế các tiêu cực phát sinh, là việc làm thể hiện dân chủ và bản lĩnh của cơ quan, các tổ chức, là tiền đề cho hoạt động thị trường tài chính mở. Công khai tài chính là biện pháp thực hiện dân chủ cao bởi Nhà nước Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân, vì dân.
   Thực hiện tốt công tác giáo dục tư tưởng, chống mọi biểu hiện sai trái trong hoạt động thu chi, điều tiết ngân sách Nhà nước, phải đặc biệt coi trọng kỉ luật và nguyên tắc tài chính. Cán bộ trong hệ thống Tài chính cần phải đoàn kết nhất trí, đoàn kết một lòng trong chỉ đạo, thực hiện. Công tác giáo dục tư tưởng phải lấy việc học tập quán triệt đường lối chính sách của Đảng, đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị làm nội dung, lấy công tác xây dựng chi bộ Đảng trong sạch vững mạnh làm hạt nhân, xây dựng các tổ chức công đoàn, thanh niên, nữ công làm chỗ dựa, lấy tự phê bình và phê bình làm phương pháp chính.
Một kinh nghiệm rất quý được rút ra qua 60 năm hoạt động là muốn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ Ngành Tài chính tỉnh phải được các địa phương, đơn vị và nhân dân phối hợp, giúp đỡ; phải được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, cụ thể, chặt chẽ của Bộ Tài chính, của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Những kinh nghiệm bước đầu được rút ra từ thực tế 60 năm hoạt động của Ngành đang được toàn thể cán bộ Ngành Tài chính tỉnh trân trọng, tiếp tục vun đắp và phát huy một cách tích cực. Ngành Tài chính tỉnh Bắc Giang đang vững bước tiến lên, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng trên quê hương.

Văn bản mới Văn bản mới