Chủ nhật, 19/05/2024

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

User Online: 23,537
Total visited in day: 610
Total visited in Week: 609
Total visited in month: 75,423
Total visited in year: 803,810
Total visited: 6,953,671

Ngành Tài chính tỉnh Bắc Giang tham gia xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước XHCN (1975-1986)

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết

Cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại nhất và cũng là cuộc chiến tranh vệ quốc giải phóng dân tộc tiêu biểu nhất, trường kỳ nhất của nhân dân ta chống lại đế quốc Mỹ - một đế quốc hùng mạnh nhất thế giới - đã kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975. Từ đây, đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới: thống nhất, độc lập, đi lên chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ trước mắt của toàn Đảng, toàn dân ta là phải nỗ lực khắc phục những hậu quả tàn phá nặng nề của hơn hai thập kỷ chiến tranh, từng bước ổn định và khôi phục nền kinh tế - văn hoá, hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước, đồng thời sẵn sàng đối phó với Mỹ trong âm mưu bao vây cấm vận kinh tế, chống lại những hành động phá hoại, thôn tính, lật đổ của các thế lực phản động quốc tế, nhằm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc. Để làm tròn những nhiệm vụ mà lịch sử giao phó, trước vận hội mới, tỉnh ta - trong đó có Ngành Tài chính đã cùng cả nước và vì cả nước phấn đấu vươn lên thực hiện tốt công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước xã hội chủ nghĩa.

I. Ngành Tài chính tỉnh tham gia thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976 - 1980)
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng đã họp vào tháng 12 năm 1976. Đây là Đại hội mở đầu thời kỳ cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội. Đại hội đã đề ra đường lối chung của cách mạng xã hội chủ nghĩa và đường lối xây dựng nền kinh tế xã hội Chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ ở nước ta dựa trên cơ sở kinh nghiệm của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc đã thực hiện hơn 20 năm (1954 – 1975) cùng đặc điểm tình hình đất nước và thế giới trong giai đoạn cách mạng mới. Chính đường lối chung và đường lối xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa ở nước ta được Đại hội thông qua đã trở thành phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976 - 1980).
Kế hoạch này có vị trí hết sức quan trọng vì như Đại hội IV của Đảng đã chỉ rõ: “Nó vừa giải quyết những hậu quả nặng nề của 30 năm chiến tranh và của chủ nghĩa thực dân mới, vừa phải tổ chức lại nền kinh tế vốn đã nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng một bước nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa trong cả nước, đặt nền móng cho sự nghiệp công nghiệp hoá nước nhà”.          
Đại hội lần thứ IV của Đảng nhấn mạnh thêm: Nhiệm vụ cơ bản của tài chính là làm chủ các nguồn vốn để bảo đảm thực hiện đường lối phát triển kinh tế, và trên cơ sở phát triển kinh tế, xây dựng một quan hệ hợp lý giữa quỹ tiêu dùng và qũy tích lũy nhằm thoả mãn nhu cầu đời sống nhân dân, đảm bảo các chi tiêu về giữ gìn an ninh và củng cố quốc phòng, bảo đảm tái sản xuất mở rộng không ngừng, tài chính phải làm tốt vai trò giám sát kiểm tra có hiệu lực mọi hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm bảo đảm sản xuất được nhiều nhất với chi phí ít nhất, tăng nhanh năng suất lao động, nâng cao hiệu quả của vốn đầu tư.
Để chỉ đạo việc thực hiện đường lối phát triển kinh tế trong kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976 - 1980) của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, Đảng bộ tỉnh Hà Bắc đã họp Đại hội đại biểu lần thứ III vào cuối tháng 5 đầu tháng 6 năm 1976, lần thứ IV vào tháng 6 năm 1977. Đại hội đã kiểm điểm tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ II và năm 1976, nghiên cứu quán triệt và đề ra kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, xây dựng và bổ sung nội dung kế hoạch 5 năm lần thứ hai, xác định mục tiêu, nhiệm vụ công tác trong những năm tới.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ III, IV đều xác định: Tài chính phải tập trung các nguồn vốn để đảm bảo thực hiện các chủ trương, kế hoạch phảt triển kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh. Tập trung vốn cho sản xuất, kiểm tra giám sát mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy sản xuất, thúc đẩy tăng năng suất lao động, cùng với các ngành chủ quản chỉ đạo tốt công tác tài chính ở cơ sở. Tích cực tạo nguồn thu cho ngân sách. Tích cực đấu tranh chống tham ô, lãng phí, chiếm dụng vốn, để đọng vốn ở các cơ sở sản xuất. Làm tốt công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ kế toán trưởng, đặc biệt là đội ngũ kế toán trưởng các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp.
Căn cứ vào nội dung và tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III, IV, sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, Ban cán sự Ty Tài chính đã triển khai thực hiện công tác quản lý Tài chính và kế hoạch ngân sách những năm 1977 - 1980 trong hoàn cảnh tỉnh gặp rất nhiều khó khăn: sự mất cân đối của nền kinh tế sau chiến tranh chưa được khắc phục, đến nay lại càng trở lên trầm trọng, đặc biệt là mâu thuẫn giữa cung và cầu, giữa sản xuất với tiêu dùng, giữa thu và chi và cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Tây Nam, biên giới phía Bắc bùng nổ, hạn hán, úng lụt, sâu bệnh tràn lan…Nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Bộ Tài chính và nhất là sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V cuối tháng 10 đến tháng 11 năm 1979 với những tổng kết, đánh giá, những biện pháp tổ chức thực hiện mới thúc đẩy sự nghiệp kinh tế- xã hội phát triển, tỉnh ta đã thực hiện thắng lợi kế hoạch ngân sách năm 1977 - 1980 với những kết quả và tiến bộ đáng kể.
Toàn tỉnh đã tập trung lao động, vật tư và tiền vốn để thúc đẩy sản xuất phát triển - nhất là sản xuất nông nghiệp. Khai thác các tiềm năng kinh tế của địa phương, xây dựng và bồi dưỡng các nguồn thu để tăng tích luỹ, đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của địa phương. Vì vậy, nhìn tổng quan ta thấy số thu ngân sách Nhà nước ở tỉnh ta năm 1980 so với năm 1977 đã tăng tới 51,4%, tốc độ tăng bình quân bốn năm là 23,1%. Riêng ngân sách địa phương tăng tốc 12,2%, tốc độ tăng bình quân là 6%. Kinh tế có bước phát triển, song nhu cầu chi trong những năm này rất lớn.
Trong những năm tháng khó khăn này, 6 tỉnh dọc biên giới phía bắc có chiến tranh, hạn hán, mất mùa, thiên tai dồn dập, nhiều nhu cầu chi tiêu đòi hỏi phải thực hiện cấp bách trong cùng một khoảng thời gian xác định, lại phải huy động với số tiền lớn….Thêm vào đó, còn những khoản chi đột xuất phát sinh ngoài kế hoạch như:
- Chi cho dân quân tự vệ đi xây dựng phòng tuyến và các cơ quan, xí nghiệp, công, nông, lâm trường đi tham gia huấn luyện quân dự bị động viên;   
- Chuẩn bị tổ chức hội thảo góp ý cho dự thảo Hiến pháp;
- Trợ cấp cho người Hoa xin xuất cảnh và nuôi dưỡng những người bị Trung Quốc bắt trả;
  -  Chi nâng lương và trợ cấp khó khăn cho khu vực hành chính sự nghiệp.v.v…
Có những lúc, việc cân đối thu chi ngân sách vô cùng căng thẳng, tưởng chừng khó vượt qua, quỹ ngân sách thiếu hụt nghiêm trọng….
Thực tiễn cho thấy, khi phải đối mặt với những khó khăn phức tạp, Ngành Tài chính trong khuôn khổ, nguyên tắc cho phép, đã điều hành ngân sách một cách rất linh hoạt, kết hợp giải quyết hài hoà giữa khả năng với nhu cầu, bảo đảm cân đối, điều tiết với tỷ lệ thích hợp.,. nên những năm này ngân sách đã đảm bảo vốn cho mọi mặt hoạt động của địa phương về sản xuất, đời sống, an ninh, quốc phòng, trật tự xã hội và của các cơ quan quản lý Nhà nước. Không để bất cứ một nhiệm vụ, một hoạt động nào của các cơ quan, ban, ngành…bị ảnh hưởng lớn vì thiếu hoặc không có vốn - kể cả vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Tổng chi ngân sách địa phương năm 1980 so với năm 1977 đã tăng lên 12,5%, với tốc độ bình quân là 6,1%. Thực tế đó chứng tỏ ngành Tài chính tỉnh đã giải quyết thắng lợi những nhiệm vụ được giao trong những hoàn cảnh đầy cam go.
Để đảm bảo vốn cho các mặt hoạt động, Ngành đã tích cực xây dựng, bồi dưỡng các nguồn thu, nên hàng năm đều có kết dư ngân sách với tỷ lệ vừa phải, góp phần xây dựng lực lượng dự trữ tài chính của tỉnh, tạo cơ sở để giải quyết sự mất cân đối ngân sách của những năm sau, nếu xảy ra. Chính tỷ lệ và số kinh phí kết dư ngân sách đó đã phản ánh kết quả của cả một quá trình phấn đấu bền bỉ, liên tục của tất cả các cấp, các ngành. Đồng thời, cũng thể hiện vai trò điều hành ngân sách có hiệu quả của Ngành Tài chính tỉnh trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1975 – 1980).
Những kết quả thực tế được biểu hiện ở một số phương diện sau:
1. Xây dựng, bồi dưỡng, quản lý nguồn thu từ nền kinh tế địa phương
Do ý thức sâu sắc rằng: Tài chính bắt nguồn từ kinh tế, mà trước hết là kinh tế sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội. Muốn có nguồn thu tài chính dồi dào thì phải đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng sản xuất. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Bắc lần thứ IV đã chỉ rõ: Ra sức phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện cả trồng trọt, chăn nuôi, nghề cá, nghề rừng theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, giải quyết đủ lương thực, thực phẩm cho nhân dân toàn tỉnh và đóng góp ngày một nhiều cho Nhà nước, cung ứng nguyên liệu cho công nghiệp, tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, tăng nguồn hàng xuất khẩu... Ngành Tài chính tỉnh quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội, chủ động đầu tư xây dựng, bồi dưỡng nguồn thu, trước hết là đầu tư hỗ trợ phát triển cây con.
Ngoài việc phải đảm bảo các nguồn vốn cho sản xuất nông nghiệp và xây dựng các công trình thuỷ lợi, cải tạo đất.v.v…ngành Tài chính tỉnh đã dùng vốn sự nghiệp đầu tư vào 9 loại cây công nghiệp (lạc, đay, đỗ tương, chè, mía, dứa, dâu, ớt, thuốc lá), 4 loại cây dược liệu (sinh địa, bạc hà, ích mẫu, sen) là những cây có giá trị kinh tế và xuất khẩu cao. Đồng thời, hỗ trợ phát triển 4 loại con là: Trâu, bò, lợn, cá.
Tuy vốn đầu tư không nhiều, nhưng nhờ biện pháp tài chính tác động đúng khâu, đúng chỗ, kịp thời, thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo của Nhà nước, nên đã có tác dụng hỗ trợ mạnh mẽ và đạt được hiệu quả cao: 1 đồng vốn đầu tư được 42 đồng lãi, và sản lượng đã tăng tới 1/3. Thu nhập của các hợp tác xã và các hộ xã viên tăng lên, tình hình tài chính được cải thiện và ngày càng phát triển vững chắc, quan hệ sản xuất được củng cố, ngân sách địa phương và đời sống xã viên cũng được cải thiện một bước.
Cùng với việc đầu tư hỗ trợ phát triển cây con trong nông nghiệp, Ngành tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh tập trung chỉ đạo xây dựng, phát triển ngành công nghiệp địa phương, tiểu thủ công nghiệp và lưu thông phân phối. Đầu tư phát triển công nghiệp địa phương là một trong những nội dung cơ bản để xây dựng tỉnh ta thành một đơn vị kinh tế công nông nghiệp, làm cho công nghiệp ngày càng phát triển, phục vụ đắc lực cho sản xuất và đời sống, góp phần làm tăng tích luỹ cho ngân sách Nhà nước. Ý thức được vai trò đó, ngành Tài chính tỉnh đã đáp ứng kịp thời bằng nguồn vốn ngân sách và vốn tín dụng ngân hàng cho sản xuất và mở rộng sản xuất công nghiệp khi nhu cầu vốn tăng lên.
Trong việc quản lý tài chính, ngành đã đề xuất những biện pháp khắc phục khó khăn, khai thác nguyên vật liệu, tiết kiệm chi phí và hạ giá thành sản phẩm…. Bằng những việc làm của mình, Tài chính đã góp phần phát triển công nghiệp địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh chuyển dần, từ bù lỗ sang có lãi như xí nghiệp sứ Bến Tuần, xí nghiệp Lân Hà Bắc.v.v…làm cho vốn tích luỹ toàn ngành công nghiệp tăng lên đáng kể.
Nội dung chính của đầu tư hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp gồm có việc đầu tư đào tạo nguồn nhân lực và đầu tư mua sắm trang thiết bị sản xuất. Vận dụng công năng tài chính và chính sách thuế công thương nghiệp, tài chính tỉnh đã tích cực tham gia ra quy hoạch, bố trí, sắp xếp lại lực lượng lao động, chuyển sang sản xuất tiểu thủ công nghiệp trong các Hợp tác xã thủ công. Tài chính đã hỗ trợ kinh phí mở các lớp đào tạo nghề và đi sâu đi sát các cơ sở để giám sát, ngăn chặn những hành vi tiêu cực, tăng cường quản lý vật tư, lao động, tiền vốn và thường xuyên hướng dẫn kiểm tra phân phối để tăng cường quan hệ sản xuất tập thể và đầu tư có hiệu quả cho việc phát triển những mặt hàng thiết yếu và nhu yếu phẩm phục vụ đời sống nhân dân. Đồng thời, gia tăng chủng loại và sản lượng hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu như: Sơn mài, thêu ren, mây tre đan, chưng cất tinh dầu, tre trúc, chạm khảm.v.v…để thu hút vốn và sức lao động, tăng thêm nguồn thu cho xã viên, tập thể và ngân sách nhà nước.
Phải nói rằng vốn đầu tư hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp từ ngân sách của Tài chính đã góp phần quan trọng củng cố quan hệ sản xuất mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp ở trong tỉnh, phát triển ngành nghề, đưa tổng giá trị sản lượng tiểu thủ công nghiệp tăng lên, tạo công ăn việc làm cho những người có khả năng sản xuất, theo đúng Nghị quyết 76/CP và 201/CP của Hội đồng Chính phủ.
Lưu thông phân phối của tỉnh hàng năm đóng góp một phần khá quan trọng vào nguồn thu của ngân sách. Muốn tăng tích lũy từ những ngành này phải đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch mua vào – bán ra và tiết kiệm chi phí qua khâu lưu thông.
Tài chính cùng các ngành hữu quan của tỉnh đã liên hệ với các tỉnh bạn và Trung ương để giải quyết nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu, có biện pháp hỗ trợ về vốn để đẩy mạnh sản xuất , tạo ra các nguồn hàng và mặt hàng mới. Tài chính đã cùng Ngành Thương nghiệp đưa ra biện pháp ký hợp đồng 2 chiều để đẩy mạnh thu mua, nắm nguồn hàng và xây dựng những định mức, chiết khấu cho mỗi ngành, phân phối chiết khấu cho mỗi cơ sở, đồng thời đề xuất phương án hạ phí lưu thông. Vì vậy, trong điều kiện sản xuất khó khăn, doanh số mua vào bán ra vẫn giữ vững và tăng lên. Ví dụ như vốn tích luỹ của ngành thương nghiệp năm 1977 là 9.385.000đ, năm 1988 là 9.315.000đ, đến năm 1979 đạt 10.206.000đ. Phí lưu thông giảm, năm 1977 là 5,77%, năm 1978 là 5,67% đến năm 1979 còn 5,03%, và ngành ngoại thương cũng giảm từ 8,13% năm 1977 xuống còn 7,9% năm 1980.
Trong các nguồn thu, thuế nông nghiệp là nguồn thu lớn tương đối ổn định và được tổ chức thực hiện có nề nếp. Ngày 25/7/1976, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Điều lệ thuế nông nghiệp (bổ sung và sửa đổi), quy định thuế nông nghiệp có 20 bậc, thuế suất thấp nhất là 8%, cao nhất là 33%; căn cứ tính thuế dựa vào sản lượng lương thực hàng năm và sản lượng này được giữ ổn định đến năm 1980. Trong kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976 - 1980), diện tích chịu thuế nông nghiệp ở tỉnh ta tăng không đáng kể (0,3%), nhưng diện tích tăng vụ và diện tích đất vỡ hoang đến hạn tính thuế đạt mức cao nhất so với năm đầu thực hiện kế hoạch. Đến năm 1979, diện tích tăng vụ đạt trên 54% và đất vỡ hoang đến hạn đưa vào diện tích tính thuế tăng vọt lên trên 140,7% (ha). Điều đó thể hiện sự đúng đắn trong đường lối phát triển nông nghiệp của Đảng và kết qủa đầu tư vào công tác thuỷ lợi, cải tạo đất, khai hoang phục hoá và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Vì vậy, số thóc thuế thu được năm 1980 đã tăng 10,8% so với năm 1977 (gần 4.000 tấn). Công tác chỉ đạo thu thuế nông nghiệp hàng năm từ tỉnh đến huyện đều kịp thời, chặt chẽ nên ý thứ tự giác đóng thuế của nông dân được nâng cao, số thóc thuế nhập kho khá nhanh, gọn và đảm bảo chất lượng.
Công tác quản lý và thu thuế công thương nghiệp trong những năm cuối kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976 - 1980) gặp nhiều khó khăn khách quan. Đầu năm 1979, chiến tranh xảy ra ở các tỉnh biên giới phía Bắc làm cho việc cung cấp nguyên liệu sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp của tỉnh bị hạn chế và gián đoạn, các cơ sở sản xuất gặp nhiều khó khăn….Việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế bị chững lại.
Được Tỉnh uỷ - UBND tỉnh tăng cường lãnh, chỉ đạo, Ngành Tài chính đã thực hiện những biện pháp như: Tập huấn nghiệp vụ và chính trị cho tất cả cán bộ thuế công thương nghiệp của các huyện, thị xã; kiểm tra việc chấp hành 10 điều quy định của cán bộ thuế; tập trung thanh toán thuế lợi tức, định lại mức thuế cho sát đúng với cơ sở. Đồng thời, mở chiến dịch chống thất thu thuế, truy thu thuế và chấn chỉnh cách làm việc của các ban tài chính có sai sót, không thực hiện đúng chế độ, nguyên tắc của Nhà nước. Kết quả thu thuế công thương nghiệp trong những năm 1976- 1980 tương đối cao, trong hoàn cảnh khó khăn nhiều bề là sự cố gắng lớn của Ngành Tài chính và của đội ngũ cán bộ thuế.
Đối với những cơ sở kinh tế TW đóng tại địa phương, Ngành Tài chính đã hình thành một bộ phận quản lý theo sự uỷ quyền của Trung ương để gắn bó trách nhiệm giải quyết vốn, nguyên liệu, phân phối lợi nhuận, xét khen thưởng và các chế độ khác…nhằm xây dựng, bồi dưỡng và quản lý những nguồn thu từ sản xuất một cách tích cực và cơ bản nhất. Dưới đây là kết quả thu cho ngân sách trong những năm 1977 - 1980:
- Thu ngân sách nhà nước có tốc độ tăng bình quân là 23,1%.
- Thu nhập thường xuyên của địa phương có tốc độ tăng bình quân là 23,4%.
- Thu nhập thuần tuý và thu nhập của xí nghiệp quốc doanh tăng 4,9%.
- Thu nhập thuần tuý từ xí nghiệp quốc doanh Trung ương tăng 58% và xí nghiệp quốc doanh địa phương tăng 6%.
- Thu từ kinh tế tập thể và cá thể tăng 54,4%, trong đó thuế nông nghiệp tăng 85,2%, thuế công thương nghiệp tăng 15,3%.
Nhìn chung, việc động viên, khai thác và bồi dưỡng nguồn thu trong những năm 1976 - 1980 của tỉnh có nhiều tiến bộ, các nguồn thu đều tăng và có lúc tăng khá nhanh. Đó là thành tích chung, rất đáng tự hào của Ngành Tài chính tỉnh.
2. Tài chính tỉnh với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh - quốc phòng địa phương
Trách nhiệm của Ngành Tài chính là phải tham mưu giúp Tỉnh uỷ, UBND tỉnh lo đủ vốn để đáp ứng những yêu cầu của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa và củng cố an ninh - quốc phòng cũng như những nhu cầu cấp thiết khác cho hoạt động của bộ máy 3 cấp chính quyền địa phương.
Trải qua hơn hai mươi năm (1954 - 1975), hoạt động xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật ban đầu của chủ nghĩa xã hội, tỉnh ta đã đạt được những thành tựu to lớn và toàn diện. Nhưng cuộc chiến tranh phá hoạt của Mỹ kéo dài và hết sức ác liệt đã tàn phá nặng nề, phá huỷ hầu hết những thành quả mà nhân dân tỉnh ta đã tốn rất nhiều tiền của, công sức để xây dựng nên. Thị xã tỉnh lỵ Bắc Giang bị đánh phá với mức độ huỷ diệt. Sự phá hoại của quân thù đã làm cho quá trình tiến lên sản xuất lớn bị đình đốn trong nhiều năm và còn làm đảo lộn cả nền nếp quản lý kinh tế của tỉnh trước mắt và lâu dài.
Vì vậy, việc chi cho đầu tư xây dựng cơ bản được ưu tiên từ vốn ngân sách, nó có tác dụng trực tiếp tạo ra cơ sở vật chất - kỹ thuật cho sản xuất, phục vụ cho những yêu cầu của cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật mà Đảng và Nhà nước ta chỉ đạo thực hiện trong kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976 - 1980)
Trong đầu tư vốn xây dựng cơ bản cho khu vực sản xuất, Ngành Tài chính chủ trương tập trung đầu tư xây dựng cơ sở của ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ lợi nhằm phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Vốn đầu tư cho 3 ngành này thường chiếm trên 50% tổng số vốn đầu tư. Thực tế qua các năm 1977: 63%; năm 1978: 55%, năm 1979 có 51%; năm 1980: 52% tổng vốn đầu tư của cả tỉnh.
Để đảm bảo tưới tiêu chủ động cả 2 vụ mùa, chiêm trên diện tích gần 200.000 ha đất canh tác toàn tỉnh, được Uỷ ban nhân dân tỉnh chấp thuận, Ngành Tài chính đã sử dụng phương thức gán thu bù chi, cấp ngân sách theo số chênh lệch thực tế cần điều tiết. Qua thực tiễn cho thấy cách quản lý tài chính này rất tác dụng, giúp các trạm thuỷ nông chủ động phục vụ nông nghiệp thúc đẩy sản xuất phát triển, vừa thu đúng, thu đủ và kịp thời, đúng chính sách của Nhà nước.
Những năm trước đây, nguồn vốn làm thuỷ lợi nhỏ, và giao thông nông thôn là vốn sự nghiệp do Bộ Tài chính quyết định và đưa vào vốn xây dựng cơ bản, nhưng công tác khảo sát, thiết kế, lập kế hoạch duyệt và tốc độ xây dựng bị trì trệ. Ty Tài chính đã nghiên cứu, đề xuất với UBND tỉnh chấp nhận cho dùng vốn sự nghiệp để đầu tư làm thuỷ lợi nhỏ miền núi và giao thông nông thôn cho phù hợp với trình độ quản lý. Sự cộng tác trực tiếp và chặt chẽ giữa hai Ty Tài chính và Thuỷ lợi đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác này, vừa dễ dàng thuận lợi, vừa quản lý chặt chẽ và không trái với quy định của cấp trên. Vì vậy, trong kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976 - 1980), vốn ngân sách đã đầu tư xây dựng được 86 công trình thuỷ lợi nhỏ để tưới và tiêu cho gần 3.000 ha. Trong đó, huyện Sơn Động có 21 công trình; Lục Ngạn 24 công trình; Lục Nam được đầu tư 19 công trình và Yên Thế 22 công trình.
Kết quả trên đã góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của sản xuất nông nghiệp và giao thông nông thôn miền núi, thiết thực phục vụ đời sống nhân dân các dân tộc tỉnh ta.
Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh về phân bố lại lao động giữa các vùng kinh tế, triệt để khai thác thế mạnh của miền núi, đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, trong 5 năm (1976 - 1980), Ngành Tài chính tỉnh đã đầu tư vốn để mở rộng diện tích khai hoang tại chỗ và khai hoang tập trung được gần 10.000 ha.
Ngoài số vốn chi cho khai hoang, chỉ tính riêng trong năm 1978, ngân sách đã chi cho 10.200 lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới ở biên giới phía Bắc có hiệu quả nhất định.
Nhằm duy trì và phát triển sự nghiệp kinh tế của tỉnh, hàng năm vốn ngân sách chi cho các ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ lợi tăng bình quân là 16,1%. Do đó, dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta vẫn đạt được những thành tựu nhất định. Do sản lượng lương thực tăng nên chăn nuôi cũng phát triển.
Trong kế hoạch 5 năm lần thứ hai, vốn ngân sách tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Ngành Tài chính vẫn dành một số vốn ngày càng tăng để phát triển sự nghiệp văn hoá - y tế - giáo dục, phục vụ cuộc cách mạng tư tưởng - văn hoá mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Tổng số vốn ngân sách chi cho sự nghiệp này trong những năm 1976 - 1980 chiếm 31,7%, tốc độ tăng bình quân hàng năm là 14,7%. Đây là một tỷ lệ và tốc độ tăng trưởng khá nhanh, thể hiện sự quan tâm của Đảng - Nhà nước tới đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân trong tỉnh.
Để không ngừng tăng cường, nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học và quản lý đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, hàng năm ngân sách tỉnh đã dành cho sự nghiệp đào tạo cán bộ một số kinh phí đáng kể và năm sau cao hơn năm trước với mức bình quân 4,6%.
Nhằm phát triển sự nghiệp giáo dục, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật, tỉnh đã giải quyết những yêu cầu cấp thiết về cơ sở vật chất như trường, lớp, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên để phục vụ giảng dạy và học tập. Ngành Tài chính đã nghiên cứu cụ thể thực trạng giáo dục của tỉnh và đề xuất những biện pháp thích hợp nhất để thực thi nhiệm vụ trên. Với số học sinh và giáo viên tăng bình quân mỗi năm 5,6% nên số vốn giành cho ngành giáo dục trong kế hoạch 5 năm lần thứ hai chiếm tới 64% tổng số vốn chi cho sự nghiệp văn hóa - xã hội. Nếu kể cả vốn trợ cấp quỹ cho các xã để xây dựng trường sở thì tốc độ tăng vốn bình quân hàng năm cho sự nghiệp giáo dục tới 10,5%.
Đến năm 1980, toàn tỉnh có 2.890 giường bệnh, bình quân mỗi huyện thị có hơn 180 giường bệnh phục vụ nhân dân. Đó là chưa kể mỗi trạm xá xã có từ 6-10 giường để điều trị những bệnh thông thường.
Từ nhiều năm trước, nhà nước vẫn dành một khoản vốn ngân sách cho sự nghiệp này với tốc độ tăng bình quân 20%/năm. Ngoài số chi trực tiếp cho ngành y tế, ngân sách tỉnh còn dành trợ cấp cho ngân sách xã một số nhất định để tăng cường trang thiết bị và thuốc men cho các trạm xá xã, nhất là ưu tiên cho vùng cao, vùng xa. Do bỏ thu tiền viện phí, nên kinh phí chi sự nghiệp thường xuyên của y tế không ngừng tăng lên. Ngành Tài chính đã lo cấp phát kịp thời, đầy đủ, đảm bảo vốn cho các mặt hoạt động của toàn ngành y tế, góp phần đẩy lùi các dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân. Riêng ngân sách tỉnh năm 1979 còn đảm bảo phục vụ chữa bệnh, cứu thương, dự trù thuốc men và y cụ phục vụ cho các huyện giáp ranh biên giới, làm cho nhân dân yên tâm đẩy mạnh sản xuất và sẵn sàng chiến đấu.
Từ giữa năm 1977 đến đầu năm 1979, các thế lực thù địch nước ngoài đã tiến hành nhiều hoạt động nhằm chống phá cách mạng nước ta, cho quân xâm lược Tổ quốc ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hàng nghìn con em các dân tộc tỉnh ta đăng ký lên đường tòng quân đánh giặc. Ở các địa phương đều hình thành 3 lực lượng của dân quân tự vệ. Hàng vạn người đi xây dựng phòng tuyến. Nhiệm vụ tuyển quân những năm này rất nặng nề và gấp gáp, nhưng tỉnh ta vẫn thực hiện vượt chỉ tiêu trên giao cả về số và chất lượng. Do đó nhu cầu chi cho công tác quân sự địa phương rất lớn, năm 1979 tăng tới 6,3 lần so với năm 1977. Tuy vậy Ngành Tài chính tỉnh vẫn tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh cân đối được thu chi, đảm bảo cho công tác quân sự địa phương hoạt động đạt kết quả tốt. Trong những năm này kinh phí chi cho công tác bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cũng chiếm một khoản rất lớn. Song được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh, sự cố gắng của toàn Ngành Tài chính, khoản chi cho công tác an ninh, trật tự vẫn được thực hiện đủ và kịp thời, đảm bảo cho công tác bảo vệ an ninh trật tự vẫn được thực hiện tốt.
Đảm bảo kinh phí hoạt động của các cơ quan hành chính sự nghiệp nhà nước ở địa phương là nhiệm vụ rất quan trọng mà Ngành Tài chính phải thường xuyên giải quyết. Hơn 40.000 cán bộ công chức phải chi trả lương hàng tháng cùng nhiều khoản chi khác của các cơ quan cần đến vốn ngân sách tỉnh, nhưng vẫn được cân đối cả về tỷ lệ và tốc độ chi qua các năm khá ổn định.
Tựu chung lại, trong những năm 1976 - 1980, chúng ta thấy tất cả các loại vốn chi ngân sách đều tăng với tốc độ bình quân ít nhất là 1,8% và nhiều nhất tới 67,9%.
Nếu so sánh tốc độ tăng chi cho phát triển kinh tế với vốn đầu tư phát triển văn hoá - xã hội là hai loại đầu tư lớn nhất, có ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống nhân dân thì tốc độ tăng trưởng văn hoá - xã hội tăng nhanh hơn, nhất là trợ cấp quỹ xã xây dựng trường học, trạm xá, trụ sở xã, nhà truyền thống, nghĩa trang và mua sắm trang thiết bị, thuốc men cho trường học, trạm xá xã….
Vốn chi cho công tác quân sự địa phương và an ninh trật tự xã hội tăng đột xuất là do thực tế khách quan, đòi hỏi phải tăng cường lực lượng quân sự và dân quân tự vệ để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc.
Mặc dù trong quá trình thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ hai, tỉnh ta có những biến động về chính trị - xã hội, kinh tế và an ninh quốc phòng, nhưng Ngành Tài chính đã giữ vững phương châm phân phối vốn của Đảng và Nhà nước, giải quyết hài hoà các quan hệ tỷ lệ vốn đầu tư cần thiết trong sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, đảm bảo ổn định đời sống của nhân dân.
Cùng với những kết quả đã đạt được trong kế hoạch 5 năm lần thứ hai, công tác quản lý tài chính và thu nộp ngân sách của ngành Tài chính tỉnh cũng còn một số tồn tại. Nhiều tiềm năng của tỉnh có thể giúp cho việc thu ngân sách Nhà nước của tỉnh chưa được khai thác phát huy; cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện có chưa được tận dụng triệt để, chi phí sản xuất và giá thành còn cao, hiệu quả đồng vốn đầu tư còn thấp.
Những kết quả, những thành tựu đã đạt được và những nhược điểm, thiếu sót tồn tại trong hoạt động kinh tế tài chính của tỉnh trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ hai là cơ sở thực tế rất tốt cho việc xây dựng và thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ ba( 1981-1985).
 
II. Ngành tài chính tỉnh tham gia thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981 - 1985)
 
Tháng 3 năm 1982, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng ta được tiến hành trong hoàn cảnh đất nước đã qua hơn 5 năm thực hiện đường lối cách mạng XHCN với những kết quả đạt được trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc có ý nghĩa to lớn, mở đầu thời kỳ mới. Đặc biệt là về quản lý kinh tế, đã bắt đầu có những chuyển biến theo hướng đúng, khí thế mới và nhân tố mới đang từng bước đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực trong sản xuất .
Nhưng thực trạng đất nước ta đầu thập kỷ 80 vẫn đang gặp phải rất nhiều khó khăn, thậm chí nhiều vấn đề còn gay gắt. Ngoài những khó khăn bắt nguồn từ nền sản xuất nhỏ, kinh tế tự nhiên, tự cấp tự túc là chính còn khó khăn do hậu quả nặng nề của các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh biên giới Tây - Nam và phía Bắc cùng những hậu quả của chế độ phong kiến thực dân chưa giải quyết xong lại nảy sinh thêm những khó khăn mới. Chính sách cấm vận của Mỹ cùng với những hoạt động phá hoại, khống chế của các lực lượng thù địch đã làm tăng nhiều khó khăn cho nền kinh tế của chúng ta. Những yêu cầu cấp bách của nền kinh tế - xã hội đòi hỏi phải giải quyết là đời sống nhân dân (nhất là cán bộ công chức, những người ăn lương Nhà nước) gặp rất nhiều khó khăn. Thị trường giá cả diễn biến phức tạp, nhiều chỉ tiêu kinh tế trong kế hoạch 5 năm lần thứ hai không đạt nền kinh tế mất cân đối nghiêm trọng. Cơ chế quản lý và kế hoạch hoá mang nặng tính chất quan liêu bao cấp, hiện tượng tiêu cực trong đời sống kinh tế và xã hội kéo dài, nguồn cung ứng nguyên liệu và năng lượng không bảo đảm cho sản xuất. Lương thực, vải, thuốc chữa bệnh và những mặt hàng thiết yếu khác đều thiếu. Sự mất cân đối giữa thu và chi, giữa hàng và tiền, giữa xuất và nhập khẩu còn rất lớn, tiền tệ bội chi ngày càng nhiều. Thu nhập quốc dân không đảm bảo tiêu dùng xã hội. Sản xuất phát triển chậm, không có tích luỹ trong nền kinh tế…
Nhận thức về đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội của nước ta thời gian này, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V xác định rõ nhiệm vụ, mục tiêu cơ bản là:
- Đáp ứng những nhu cầu thiết yếu và cấp bách nhất, ổn định và cải thiện dần dần đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân, trước hết giải quyết vững chắc về lương thực, thực phẩm, đáp ứng tốt những nhu cầu về mặc, ở, chữa bệnh, học hành, đi lại; chăm sóc trẻ em và các yêu cầu thiết yếu khác.
- Tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của CNXH, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, hàng tiêu dùng và xuất khẩu; tăng cường trang bị kỹ thuật cho các ngành kinh tế khác chuẩn bị tiền đề phát triển mạnh về công nghiệp nặng ở giai đoạn sau.
- Hoàn thành cải tạo XHCN ở miền Nam, hoàn thiện quan hệ sản xuất XHCN ở miền Bắc, củng cố quan hệ sản xuất trong nước.
- Đáp ứng nhu cầu phòng thủ đất nước, giữ vững an ninh và củng cố quốc phòng.
Một chính sách tài chính, tiền tệ tích cực và phù hợp với tình hình trên được Đại hội V đề ra là: Nhà nước phải sử dụng tài chính, tiền tệ như là những công cụ có hiệu lực để cải tạo và phát triển kinh tế, phát huy vai trò của tài chính và ngân hàng trong việc kiểm tra và giám đốc các hoạt động kinh tế, không ngừng nâng cao hiệu quả đồng vốn. Nhà nước phải mở rộng và động viên các nguồn thu, từ kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể và các thành phần kinh tế khác, quản lý nghiêm ngặt thu chi tài chính, Nhà nước phải nắm tiền và làm tốt việc lưu thông tiền tệ. Cải tiến công tác tín dụng và thanh toán qua ngân hàng, thực hiện cân đối ngân sách và từng bước thu hẹp, tiến tới chấm dứt bội chi tiền mặt.
Để thực hiện được những mục tiêu cơ bản trên, đòi hỏi tất yếu phải thay đổi thực trạng kinh tế, đảm bảo thu nhập quốc dân từ thiếu tiến đến đủ tiêu dùng xã hội và có tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế, bảo đảm tổng sản phẩm xã hội không ngừng tăng trưởng và từng bước giảm tình trạng mất cân đối nặng nề của nền kinh tế quốc dân.
Thực hiện chủ trương kế hoạch của Trung ương về việc tổ chức Đại hội Đảng các cấp, Đảng bộ tỉnh Hà Bắc tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ VI vào đầu năm 1983. Sau khi đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V, Đại hội đã đề ra phương hướng nhiệm vụ, mục tiêu kế hoạch 5 năm (1981 - 1985) mà chủ yếu là 3 năm cuối của kế hoạch này. Trong hoàn cảnh chung của đất nước, những năm này nền kinh tế của tỉnh còn bị mất cân đối nghiêm trọng trên nhiều mặt, cơ chế quản lý tài chính, giá cả biến động đã tác động mạnh tới thu chi ngân sách; tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn: nguyên, nhiên liệu, điện năng phục vụ cho sản xuất của tỉnh gặp nhiều khó khăn. Thời tiết diễn biến phức tạp, rét đậm kéo dài, hạn hán, úng lụt gây thiệt hại nặng 3 huyện trọng điểm lúa và một phần các huyện khác; nạn sâu bệnh phá hoại mùa màng - đặc biệt trong những năm 1983, 1984, 1985 - đã gây khó khăn lớn cho việc thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong điều kiện khó khăn đó, UBND tỉnh tổ chức thực hiện nghiêm túc các nghị quyết các chính sách kinh tế của Trung ương và của Tỉnh uỷ, đồng thời đề ra những biện pháp thiết thực nhằm tập hợp, động viên, cổ vũ các cơ sở sản xuất và nhân dân các dân tộc trong tỉnh ra sức khắc phục khó khăn, vượt qua trở ngại, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thực hành tiết kiệm, tích cực khai thác tiềm năng của địa phương, từng bước tổ chức lại sản xuất, cải tiến phân phối lưu thông, phấn đấu thi đua hoàn thành nghĩa vụ giao nộp sản phẩm và thu nộp ngân sách Nhà nước. Được Bộ Tài chính chỉ đạo, giúp đỡ, được các cấp, các ngành, đơn vị tham gia tích cực, nên nhiệm vụ thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ 3 (1981 - 1985) của Ngành Tài chính tỉnh đã đạt được những kết quả rất đáng phấn khởi.
Tổng số thu ngân sách Nhà nước được xác định hàng năm đều vượt kế hoạch, chỉ tiêu của trên giao. So với kế hoạch, năm 1981 đạt 107,9%, năm 1982 thu đạt 125,3%, năm 1983 thu đạt 138,4%, năm 1984 thu đạt 129%, năm 1985 thu đạt 104%.
Trong các khoản thu thì thu từ các xí nghiệp quốc doanh do Trung ương quản lý là phần thu điều tiết cho ngân sách địa phương. Những năm này tình hình sản xuất kinh doanh của các xí nghiệp quốc doanh do Trung ương quản lý vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn: thiếu nguyên liệu, thiếu điện, hỏng hóc, sự cố kỹ thuật. Trong đó Nhà máy Đạm Hà Bắc phải ngừng hoạt động sản xuất trong nhiều tháng. Mặt khác, việc triển khai cơ chế quản lý mới, hạch toán đầy đủ chi phí vào giá thành sản phẩm và phí lưu thông nên nhiều xí nghiệp chỉ đủ bù đắp chi phí về sản xuất kinh doanh, do đó thu thường chỉ đạt xấp xỉ 100% kế hoạch ngân sách năm.
Được UBND tỉnh chỉ đạo sát sao, chặt chẽ tới các ngành, các đơn vị sản xuất, cơ sở xí nghiệp quốc doanh do địa phương quản lý để huy động kịp thời các khoản thu, số thu phát sinh trong kỳ và các khoản thu còn tồn đọng cho ngân sách nhà nước, nên trong các năm 1981- 1985 thu đạt xấp xỉ 100% kế hoạch. Điều đáng lưu ý trong việc thu từ các xí nghiệp quốc doanh do địa phương quản lý là số thu từ các khoản chênh lệch giá thường chiếm tỷ lệ trên 80%. Vì vậy, đây là một vấn đề cần quan tâm nghiên cứu để sản xuất đạt hiệu quả cao hơn, làm tăng tích luỹ ngân sách nhiều hơn.
Thực hiện sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh,Ngành Tài chính đã thực hiện kiểm tra trên 70% các hợp tác xã mua bán, 88% các hợp tác thủ công nghiệp và vận tải về thực hiện chế độ, chính sách tài chính, giúp các hợp tác xã, các đơn vị, các cơ sở này giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc để mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Với sự cố gắng của Ngành Tài chính và các cơ sở sản xuất, kinh doanh công thương nghiệp, khoản thu này đạt trên 100% kế hoạch ngân sách hàng năm.
Riêng đối với thuế hộ kinh doanh, sản xuất nhỏ ngành Tài chính đã tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát kịp thời để điều chỉnh doanh thu, điều chỉnh mức thuế cho phù hợp với hoạt động kinh doanh và giá cả trên thị trường, nên mức thuế được huy động bình quân đều tăng dần qua các năm (1981 - 1985).
Tháng 1/1981, Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 100: khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động. Để thực hiện Chỉ thị 100 có hiệu quả, tỉnh chỉ đạo cho các hợp tác xã nông nghiệp có quy mô lớn nhưng làm ăn kém hiệu quả chia thành các hợp tác xã nhỏ cho phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và khả năng quản lý của cán bộ; chỉ đạo các hợp tác xã đã tiến hành giao đất giao rừng, giao sức kéo cho các hộ xã viên, hợp tác xã chỉ còn chỉ đạo điều hành một số khâu: làm đất, tưới tiêu, bảo vệ động, thực vật và quản lý sản phẩm theo mức khoán. Thực hiện Chỉ thị 100, sức sản xuất được giải phóng, tư liệu sản xuất được sử dụng có hiệu quả, kinh tế các hộ gia đình xã viên và kinh tế nông nghiệp nói chung phát triển, các lĩnh vực thủ công nghiệp và các ngành kinh doanh dịch vụ nông nghiệp cũng chuyển biến theo.
Do sản xuất phát triển - mặc dù tốc độ còn chậm - nhưng hàng năm tỉnh vẫn thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu nghĩa vụ Nhà nước giao 2% kế hoạch ngân sách. Pháp lệnh về thuế nông nghiệp được thực hiện đạt kết quả tốt.
Các khoản thu khác và thu sự nghiệp được thực hiện tích cực.
Ngành Tài chính hướng dẫn các ngành, các đơn vị, các huyện, thị xã cố gắng khai thác triệt để các khoản thu khác như thu sự nghiệp, thu xổ số kiến thiết, thu viện trợ … nộp vào ngân sách Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch thu để đảm bảo nhiệm vụ chi của địa phương.
Thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ III (1981 - 1985), Ngành Tài chính tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt, trụ cột của mình để phối hợp với các ngành, các huyện, thị, các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách trên các mặt trong hoàn cảnh kinh tế tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, giá cả biến động, cơ chế quản lý đang đổi mới, nhu cầu chi tăng cao hơn nhiều. Thông qua công tác quản lý tài chính tài vụ, tính toán số thu và huy động kịp thời các nguồn thu, các khoản thu vào ngân sách và bước đầu đã biết tranh thủ viện trợ quốc tế đưa vào các mục tiêu xây dựng cơ sở vật chất cho các công trình phúc lợi công cộng và phát triển sản xuất, đời sống của nhân dân. Đồng thời, Ngành Tài chính còn tập trung được ngân sách nhanh để đảm bảo nhu cầu chi thường xuyên và chi đột xuất tăng lên.
Cùng với việc thu ngân sách, Ngành Tài chính tỉnh đã tham mưu giúp Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện tốt việc chi ngân sách.
Tổng chi ngân sách địa phương trong kế hoạch 5 năm lần thứ III (1981 - 1985) có nhiều biến động vì nhiều nguyên nhân. Một ví dụ: 7 tháng đầu năm 1985 nguồn thu ngân sách được đảm bảo cho nhiệm vụ chi nên tình hình ngân sách tương đối ổn định, nhưng từ tháng 8/1985, thực hiện chính sách giá - lương - tiền, tiến hành bù giá vào lương và sau đó lại thực hiện chế độ lương mới nên yêu cầu chi ngân sách tăng nên đột biến, vượt quá khả năng thu từ nền kinh tế địa phương, tình hình ngân sách vô cùng căng thẳng tưởng như không thể đáp ứng được các nhu cầu chi.
Tổng chi ngân sách địa phương trong các năm này so với kế hoạch đạt như sau: năm 1981 đạt 104,14%, năm 1982 đạt 119,9% kế hoạch, 1983 đạt tới 128,8%, năm 1984 đạt 125,5%, năm 1985 đạt 104%.
Được UBND tỉnh chỉ đạo, Ngành Tài chính đã tập trung vốn đầu tư thi công dứt điểm các công trình trọng điểm và các mục tiêu kinh tế chủ yếu để sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng. Riêng năm 1983 đã đầu tư xây dựng được 7 trạm biến thế, 27 km đường điện, làm tăng 2.228 ha diện tích tưới và 629 diện tích tiêu nước bằng các trạm bơm, hồ đập; đào đắp 609.000 m3 đê; trồng 2.700 ha rừng; xây dựng 2 trạm thú y; 11 trạm bảo vệ thực vật; làm 10,2 km đường giao thông; 7.876 m2 phòng khám bệnh, nhà điều trị và nhà làm việc cho các bệnh viện cùng 35 phòng học, 48 căn hộ tập thể và xây công viên Ngô Gia Tự, khu di tích lịch sử Phồn Xương (Yên Thế). Hoàn thiện và đưa vào sản xuất Xí nghiệp Dược, nhà máy Phân Lân Hà Bắc, trang bị thêm nhiều thiết bị cho các ngành nông nghiệp, giao thông thuỷ lợi. Từ năm 1981 đến năm 1985 kinh tế của tỉnh đi vào ổn định và từng bước phát triển, đời sống của nhân dân - cả tinh thần và vật chất - liên tục được cải thiện.
Việc chi bù giá hàng cung cấp, chi bù giá vào lương và chi lương mới trong những năm 1981-1985 là nhiệm vụ chính trị nặng nề của Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh mà Ngành Tài chính có trách nhiệm trực tiếp tổ chức thực hiện.
Chi bù giá hàng cung cấp và chi bù lỗ theo chính sách của Nhà nước, bởi một số mặt hàng kinh doanh bán giá thấp hơn giá trị thực, hoặc thu theo mức thấp hơn thực tế chi phí do đó có lỗ kế hoạch nên hàng năm ngân sách phải chi ra một số tiền để cấp bù kịp thời đảm bảo vốn cho cơ sở tiếp tục sản xuất kinh doanh bình thường, để cán bộ công nhân viên chức có lượng hàng cung cấp tối thiểu và thiết yếu phục vụ sinh hoạt đời sống và công tác.
Song việc chi bù giá thường không kịp thời, chủ yếu là do thiếu vốn, hoặc khi có vốn huy động được thì lại thiếu thủ tục xin được cấp phát của các đơn vị hành chính sự nghiệp, của các đơn vị kinh doanh. Cuối năm 1985 việc chi bù giá vào lương và chi lương mới tuy có sự chuẩn bị từ trước, song vẫn rất khó khăn, căng thẳng. Cuối cùng nhiệm vụ căn bản vẫn được thực hiện tốt.
Trong những năm 1981 - 1985, việc chi ngân sách thường xuyên nhìn chung đã đáp ứng được vốn cho các nhu cầu phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, quản lý Nhà nước và công tác an ninh, củng cố quốc phòng ở địa phương. Trong những năm này việc chi thường xuyên còn giúp đỡ cho khu vực sản xuất kinh doanh tập thể mở rộng ngành nghề và giúp các xã làm thuỷ lợi, sửa chữa, xây dựng trường học, trạm xá, trạm biến thế điện, các đường điện và đường giao thông nông thôn…
Năm 1984, thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh khoá VII - kỳ họp thứ 10, dùng vốn ngân sách tỉnh để hỗ trợ cho 4 huyện miền núi xây dựng trạm xá, trường học vùng cao, thực hiện chương trình ngói hoá trường học.
Chi về sự nghiệp kinh tế được thực hiện tốt đã đảm bảo vốn lưu động cho khu vực sản xuất, kinh doanh bù lỗ và phát triển kinh tế, sửa chữa trụ sở làm việc, mua sắm trang thiết bị, sửa chữa đê điều, cầu cống, kênh mương trong hệ thống thuỷ nông và khắc phục hậu quả lũ lụt thường xuyên xảy ra trong những năm này.
Chi thường xuyên cho sự nghiệp văn hoá - xã hội đã đảm bảo các nhu cầu phát triển giáo dục đào tạo, văn hoá, thể thao, y tế, nghiên cứu khoa học và các nhu cầu thường xuyên khác: hội chợ, hội thao, hội diễn…
Chi quản lý hành chính thường xuyên đã đảm bảo cho các cơ quan quản lý hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp hoạt động ổn định.
Trong tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng các ngành, các cấp, các đơn vị, các huyện thị đều cố gắng hoàn thành kế hoạch thu ngân sách và thực hiện tốt nhiệm vụ giao nộp ngân sách. Nhưng vì nhiệm vụ chi ngân sách rất lớn, do vậy thường đến cuối năm kế hoạch, ngân sách vẫn còn hết sức khó khăn, việc cân đối thu - chi luôn bất cập.
Để thực hiện Nghị quyết 138/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về cải tiến chế độ phân cấp ngân sách cho địa phương, Tỉnh đã chỉ đạo Ngành Tài chính tiếp tục giành phần lớn nguồn thu từ các cơ sở kinh tế ở các huyện, thị xã cho ngân sách các huyện, thị quản lý. Cụ thể, các huyện, thị xã được quản lý và sử dụng theo chế đó:
- 100% số thu từ xí nghiệp quốc doanh địa phương.
- 100% số thu sự nghiệp.
- 100% số thu khác.
- 80% số thu thuế công thương nghiệp và thuế thu nhập.
Chỉ tiêu ngân sách tỉnh giao cho các huyện, thị xã thường chỉ giao thu và giao kế hoạch trợ cấp, không giao kế hoạch chi để các huyện, thị xã chủ động bố trí, sắp xếp ngân sách theo chế độ và khả năng tăng thu ngân sách cấp huyện.
Nhìn chung các huyện, thị đều cố gắng tăng thu cho ngân sách, song do nhiều biến động nhất là về cơ chế quản lý kinh tế, nên các huyện, thị mới trang trải được một phần về chi ngân sách huyện, 100% số huyện, thị phải trợ cấp ngân sách của tỉnh do thu không đủ chi.
Tựu chung lại, được UBND tỉnh chỉ đạo tập trung vốn chi cho các mục tiêu cơ bản và trọng điểm, đồng thời giải quyết chi các nhu cầu thường xuyên nên đã đảm bảo vốn cho sự hoạt động của các ngành, các lĩnh vực trong nền kinh tế của địa phương, xây dựng các định mức chi và tiến hành kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc chi ngân sách. Do vậy đã cân đối vốn tương đối hài hoà cho sự phát triển của các ngành trong nền kinh tế địa phương.
 Công tác giám đốc về tài chính và tổ chức bộ máy Ngành Tài chính tỉnh trong những năm 1981- 1985 có bước tiến bộ. Thường xuyên thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra tài chính để giúp các đơn vị, các cơ sở sửa chữa những thiếu sót, những sai lệch trong quá trình chấp hành chế độ, chính sách về tài chính, trong công tác hạch toán để loại ra khỏi quyết toán những yếu tố chi phí bất hợp lý trong phí lưu thông, trong giá thành, và dự toán chi.
Tuy vậy, việc thực hiện chức năng kiểm tra, giám đốc của cơ quan Tài chính ít nhiều còn mang tính chất hành chính, sự vụ, quan liêu nên các hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội và trong quản lý kinh tế chưa được ngăn chặn và loại bỏ đã có ảnh hưởng xấu đến công tác quản lý tài chính của Ngành, hạn chế sự phát triển nền kinh tế- xã hội của tỉnh.
Năm 1982, đổi tên Ty Tài chính thành Sở Tài chính.
Do chức năng của ngành quy định, nên nhiệm vụ quản lý Tài chính Nhà nước rất nặng nề trong điều kiện còn nhiều khó khăn.
Công tác quản lý Tài chính Nhà nước Tỉnh tuy còn nhiều chỗ yếu và thiếu nhưng đã có cơ sở và nề nếp. Riêng công tác quản lý Tài chính ở khu vực sản xuất, kinh doanh tập thể, thủ công nghiệp, nông nghiệp chưa được thực hiện tốt, đội ngũ cán bộ ngân sách xã ở các huyện còn rất yếu về chất lượng thiếu về số lượng và luôn mất ổn định vì thường xuyên phải điều động đi làm công tác khác. Vì vậy, phải tăng cường đội ngũ cán bộ Tài chính ở khu vực này và đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ để họ đảm trách được những nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó là một nhiệm vụ quan trọng của Ngành Tài chính tỉnh trong những năm tiếp theo.

Trong những năm qua kể từ năm 1975, trong điều kiện, hoàn cảnh của cả nước, của tỉnh còn rất khó khăn, song được sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, của Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân, sự hợp tác, giúp đỡ của các ngành, các cấp và đặc biệt là sự cố gắng của đội ngũ cán bộ Ngành Tài chính, Ngành Tài chính của tỉnh đã thực hiện tốt vai trò đắc lực giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội, từng bước đưa sự nghiệp kinh tế- xã hội của tỉnh phát triển.